Theo Buzzfeed News, Acton đã tham gia buổi nói chuyện cùng với một cựu nhân viên Facebook khác là Ellora Israni, người sáng lập She++. Trong buổi giao lưu của mình, ông lưu ý các công ty công nghệ và truyền thông xã hội lớn như Apple và Google đã phải vật lộn để kiểm duyệt nội dung của họ.
"Những công ty này không được trang bị đầy đủ để đưa ra những quyết định này", Acton nói. "Và chúng ta cung cấp cho họ sức mạnh, bằng cách mua sản phẩm của họ, đăng ký các trang web của họ. Đó là phần tệ nhất. Xóa Facebook là đúng".
Brian Acton, đồng sáng lập WhatsApp. Ảnh Reuters |
Brian Acton là một trong những người sáng lập WhatsApp năm 2009 cùng với Jan Koum. Ông sau đó bán công ty cho Facebook với giá 19 tỷ USD vào năm 2014. Tuy nhiên, những bất đồng trong việc kiếm tiền từ WhatsApp đã khiến ông phải rời công ty. Acton phản đối quảng cáo trên WhatsApp và ứng dụng này có thể tìm thấy các lựa chọn thay thế tốt hơn để kiếm tiền từ ứng dụng này. Cũng theo quan điểm của Acton, quảng cáo trong Facebook đồng nghĩa với sự suy yếu của công nghệ mã hóa. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến sự riêng tư của người dùng bị suy giảm.
Acton đã phê bình Facebook từ khi rời công ty vào năm 2017, về các vấn đề liên quan tới mong muốn kiếm tiền từ dịch vụ của mạng xã hội này. Tháng 3/2018, sau scandal liên quan đến công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica, Acton đã tweet lời kêu gọi #deletefacebook trên trang Twitter cá nhân. Tuy nhiên buổi nói chuyện mới đây là lần đầu tiên ông kêu gọi mọi người xóa tài khoản của mình một cách trực tiếp.
Người đồng sáng lập WhatsApp cũng tiết lộ một sự thật là trong các cuộc đàm phán mua lại, anh không muốn bán công ty cho Facebook. Nhưng cuối cùng ông lại không phải là người có thể quyết định được vụ mua bán này.
"Mọi người nói: 'Chà, bạn có thể không bán công ty mà?' nhưng câu trả lời của tôi sẽ là 'Không'", ông giải thích. "Tôi có 50 nhân viên, phải suy nghĩ về họ và số tiền họ sẽ kiếm được từ cuộc mua bán này. Tôi đã phải suy nghĩ về các nhà đầu tư của mình và số cổ phần chỉ là thiểu số của bản thân trong công ty. Tôi không có đủ quyền lực để nói không dù thực sự muốn làm điều đó".