Mùa khô ở vùng biên giới giáp Campuchia những ngày giữa tháng 4, nắng nóng khốc liệt. Dọc tuyến quốc lộ 14C đoạn qua xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai cây cối thiếu nước héo rũ, đồng ruộng nứt nẻ, xơ xác.
Trong khi đó, lòng hồ Ia Mơr tích cả trăm triệu mét khối nước - hợp bởi suối Ia Mơr và Ia Tea, nhưng không có ruộng để tưới. Chỉ có một cửa xả ra suối Ia Mơr, nhằm phục vụ nước tưới cho người dân vùng hạ lưu huyện Ia Sup, Đăk Lăk.
Dưới chân đập, gần 200 hecta đất nông nghiệp của người dân khô khốc, bỏ hoang bên nhiều đoạn kênh chính trơ đáy. Hàng trăm nông dân xã Ia Mơr phải đợi mưa xuống mới có thể gieo trồng, theo tập quán canh tác của đồng bào Jarai.
Tuần trước, chị Rơ Lan Đa, 23 tuổi, cùng chồng định đào xới mảnh ruộng rộng một sào (500 m2), chuẩn bị mùa mưa tới sẽ xuống giống. Nhưng cả hai đành bỏ cuộc vì đất quá cứng. Từ đó, hai vợ chồng quanh quẩn trong nhà, thỉnh thoảng chị Đa đi nhặt điều, kiếm tiền lo cho hai đứa con ăn học.
Gia đình chị Đa có 3 sào ruộng, một năm làm một vụ, thiếu thốn quanh năm. Năm 2019, đập Ia Mơr bắt đầu tích nước, tuyến kênh chính lấy đi hai sào đất của gia đình. Chưa nghĩ đến số tiền được bồi thường hơn 100 triệu đồng, họ chấp nhận ngay vì muốn nước về càng nhanh càng tốt. Nhưng khi đập hoàn thành, con kênh nằm sát sào ruộng còn lại của chị vẫn không có nước. "Nghe nói phải làm thêm kênh nhỏ nữa mới dẫn nước được vào ruộng, không biết chờ bao lâu nữa?", chị Đa nói.
Cách chân đập khoảng 10 km, một trạm bơm do hợp tác xã đầu tư, đang đưa nước từ suối Ia Mơr tưới cho 70 ha ruộng của người dân làng Ring. Giữa trưa nắng, chị Bùi Thị Vịnh, 36 tuổi, tranh thủ bón phân cho hai sào lúa còi cọc vì thiếu nước. Diện tích lúa này gần nguồn nước nhất, tuy nhiên gần đây vợ chồng chị bận chăm 1,5 ha lúa ở cuối nguồn vì sắp đến ngày thu hoạch.
Chị Vịnh bảo, khu vực này mỗi năm canh tác được hai mùa lúa, tuy nhiên để có nước vào ruộng, mỗi sào phải đóng 500.000 đồng một vụ. Những vườn ở cuối nguồn nước, đóng thấp hơn, 200.000 - 300.000 đồng một sào. Ngoài chi phí trên, mỗi ngày chị phải tốn 200.000 đồng tiền dầu bơm nước từ kênh dẫn vào ruộng.
"Đây là chính vụ, nên vợ chồng tôi cố gắng chăm sóc thật tốt", chị Vịnh nói và cho biết, năm trước gia đình trồng thêm mía, nhưng vì không đủ nước tưới nên cây chết khô.
Dự án hồ chứa nước Ia Mơr được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt từ năm 2005 và được đầu tư trong hai giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr, với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.
Công trình này kỳ vọng sẽ phục vụ tưới cho 12.000 ha đất trồng cây nông nghiệp của 50.000 dân vùng biên giới. Trong đó, hơn 8.000 ha ở Gia Lai; 4.000 ha tại huyện Ea Sup, Đăk Lăk.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr, hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp ở huyện Chư Prông đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả tốt.
Hợp phần hồ Ia Mơr với gần 3.000 ha diện tích mặt nước, dung tích 177 triệu mét khối nước đã hoàn thành năm 2019; giai đoạn hai gồm 3 con kênh chính (tổng chiều dài trên 50 km) dự kiến xong giữa năm nay. Giai đoạn cuối của dự án là xây hệ thống kênh tưới nội đồng, khai hoang đồng ruộng, xây khu dân cư...
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai cho biết, giai đoạn 3 xây dựng kênh nội đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao cho địa phương thực hiện, tuy nhiên gần 8.000 ha ở vùng hạ lưu đập Ia Mơr là đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp chỉ có vài trăm hecta. Nếu tiếp tục đầu tư hệ thống kênh xương cá dẫn vào ruộng nương, phải chuyển đổi diện tích trên sang đất nông nghiệp.
Dự án đang vướng mắc bởi Chỉ thị 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng yêu cầu không được chuyển diện tích rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng - an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).
Bên cạnh đó, Thông báo năm 2017 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp và các mục đích khác, kể cả các công trình dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án quốc phòng - an ninh đặc biệt được Thủ tướng phê duyệt.
Tỉnh đang lập dự án trình Thủ tướng về việc chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp này sang đất nông nghiệp. Trong số diện tích này, có khoảng 3.700 ha là đất rừng. "Song việc chuyển đổi rất khó", ông Nghĩa nói và cho biết, theo quy định chuyển đổi từ 1.000 ha rừng trở lên phải trình Thủ tướng và được Quốc hội thông qua.
Mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau. Theo Chủ tịch xã Ia Mơr, ông Ngô Văn Tiến, trong sáu tháng đó 2.600 người dân xã Ia Mơr chỉ biết trông chờ vào cây điều, mì... hoặc bỏ xứ đi làm thuê.
"Đến mùa mưa, bà con mới có thể trồng lúa được, tuy nhiên sản lượng chẳng được bao nhiêu do sâu bệnh nhiều", ông Tiến nói và mong sớm xây hệ thống kênh nội đồng để nông dân có nước tưới, giúp địa phương phát triển nông nghiệp.
Trần Hóa