Tỷ giá quy đổi hôm qua là 37,03 ruble một USD, thấp nhất từ năm 1998. Trước đó vài tuần, Ngân hàng trung ương Nga đã tuyên bố sẽ giảm can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Cuộc đàm phán hòa bình tuần này giữa Tổng thống Ukraine - Petro Poroshenko và Tổng thống Nga – Vladimir Putin tại Minsk cũng khiến thị trường "thất vọng", làm dấy lên lo ngại về lệnh trừng phạt, Manik Narain - chiến lược gia các nền kinh tế mới nổi tại UBS cho biết. Kinh tế yếu kém gần đây, xung đột với Ukraine và cam kết giảm can thiệp vào đồng ruble của Nga đã đẩy đồng tiền này xuống đáy, ông nhận định.
Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Nga tuyên bố từ năm sau sẽ hủy bỏ cơ chế hành lang giao dịch, vốn để hạn chế biên độ dao động của đồng rouble so với các tiền tệ khác như USD hay euro.
Nga hiện có hơn 400 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Nếu nội tệ yếu, họ hoàn toàn có thể dùng số tiền này mua lại rouble trên thị trường để đẩy giá lên, Narain cho biết. Tuy nhiên, nền kinh tế đang yếu dần và sự phụ thuộc vào các loại hàng hóa như dầu mỏ và khí đốt có nghĩa Nga sẽ không sẵn sàng và cũng không thể làm được điều này.
GDP sơ bộ công bố đầu tháng này cho thấy Nga có thể chỉ tăng trưởng 0,8% quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí tốc độ này còn giảm so với 0,9% quý I.
Chứng khoán Nga hôm qua cũng đi xuống. Chỉ số RTS giảm 1,9%, lần đầu xuống 1.200 điểm từ ngày 8/8. Chỉ số MICEX mất 1,3%.
Ngân hàng Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo gần đây rằng "căng thẳng chính trị đang khiến thị trường nghi ngờ về khả năng đầu tư vào Nga. Trong trường hợp xấu nhất liên quan đến lệnh trừng phạt, chứng khoán Nga có thể sẽ bị coi là không thể đầu tư được".
Hà Thu