"Cứ vào đến nhà lại vội vàng đóng cửa, không thì mùi xú uế xộc lên mũi muốn nôn luôn, đấy là chưa kể ruồi nhặng bay vào nhà sinh bệnh ra thì khổ nữa", Ông Ba Hoàng, 61 tuổi (nhà ở đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP HCM) than thở.
![]() |
Những đống rác án ngữ trước cửa nhà dân vừa gây ô nhiễm, vừa mất mỹ quan đô thị. Ảnh chụp tại hẻm 346, quận Gò Vấp, TP HCM: Thi Trân. |
Đích thân ông đã nhiều lần chống gậy sang nhà hàng xóm nói chuyện phải trái trên tinh thần xây dựng, song chỉ được vài hôm bình yên rồi tình hình lại đâu vào đấy. Cuối cùng ông đành nhờ đến tổ trưởng dân phố can thiệp mà vẫn không ăn thua. "Bà hàng xóm bảo để rác bên phần đất nhà họ nên hôi thì nhà bà ấy chịu chứ can chi đến nhà tôi. Lúc đó mình cũng đuối lý, trong khi rõ ràng đống rác ấy nhiều lần còn để lố qua cổng nhà mình", ông Hoàng ấm ức kể.
Chỉ vì mất lòng từ chuyện đống rác nhỏ kia mà hơn một năm nay, hai gia đình sát vách hằm hè không nhìn mặt nhau. Còn bản thân gia đình ông Hoàng vì không muốn xảy ra xung đột nên đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt sống chung với đống rác ô nhiễm ngự chình ình trước cửa ra vào.
Cũng đau đầu với láng giềng vì chuyện này, chị Lê (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) kể, bên cạnh nhà chị có bãi đất bỏ hoang, bỗng dưng từ mấy tháng nay nó trở thành nơi "tập kết" rác thải của cả khu phố. Người ta vứt cả xác chuột chết, đồ ăn ôi thiu khiến ruồi nhặng bu, chuột cống kéo đến ăn rồi bò vào nhà chị quấy phá.
"Thật không biết phải làm sao với ý thức của bà con nữa. Cứ chiều tối là người ta đứng từ xa ném những bọc rác bồm bộp vào khu đất này. Mùi hôi thối bốc lên ảnh hưởng tới cả xóm đã đành, rồi ruồi muỗi, côn trùng, chuột, gián, kéo đến chỉ tổ sinh bệnh", đứng chỉ tay ra bãi rác tập thể cạnh nhà, chị Lê bức xúc.
![]() |
Nhiều người tiện tay vứt rác ra đường khi chưa có công nhân vệ sinh đến lấy. Ảnh: TT. |
Anh Trường (chồng chị Lê) cũng cho biết, ám ảnh nhất là từ khi có bãi rác này, chó ở khắp nơi kéo đến tìm thức ăn thừa rồi "đi" bậy tại chỗ. "Chiều tối về cứ phải ngó trước ngó sau cẩn thận, chỉ sợ cán phải phân chó rồi tha về nhà. Bản thân tôi cũng sang nói chuyện này với hàng xóm rồi nhưng người ta bảo chẳng biết chó nhà ai", anh lắc đầu ngán ngẩm.
Nhiều lần vợ chồng anh Trường bàn nhau đánh bả "tận diệt" mấy con chó hoang kia, song nghĩ lại thấy không đành lòng nên cứ chịu ấm ức mãi. "Hôm rồi tôi mới mở miệng góp ý với hàng xóm đừng xả rác ở đó nữa thì bị họ chửi tới tấp, bảo mình lo chuyện ruồi bu. Giờ hai vợ chồng phải thay phiên nhau lấy vôi bột rắc xung quanh bãi rác đó để hạn chế ruồi bọ", anh Trường nói.
Từ khi có trụ điện được chôn ở đầu con hẻm dẫn vào khu dân cư phường 9, quận Gò Vấp, gia đình chị Kiều bán tạp hóa ngay cạnh đó đến khổ vì người trong khu vực tới tấp vứt hàng tá loại rác khác nhau ngay dưới chân cột điện. "Cứ nhằm lúc mình đi vắng là họ lại liệng vào đó. Có lúc tôi bắt tận tay mà họ quay lại chửi luôn rồi còn thách thức", chị Kiều bức bối.
Dù có bảng kêu gọi "không đổ rác tại đây" dán lên cột điện, tình hình vẫn không cải thiện, chị Kiều phải bỏ tiền mua một chiếc thùng xốp để chân trụ điện cho người vứt rác.
Một cán bộ tổ dân phố ở phường 9, quận Gò Vấp cho biết, một trong những đề tài luôn nóng tại các buổi họp tổ dân phố ở đây chính là nạn xả rác bừa bãi của bà con gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Chính người dân trong khu vực lại là "thủ phạm" làm mất vệ sinh chỉ vì những thói quen xấu và ý thức bảo vệ môi trường kém.
"Phát hiện những trường hợp xả rác như trên, người dân nên đến trình báo với tổ dân phố hoặc cán bộ phường. Chúng tôi sẽ theo dõi, nếu bắt được quả tang, tùy theo mức độ vi phạm sẽ cảnh cáo, phạt hành chính hoặc đưa ra kiểm điểm chủ hộ đó trong những cuộc họp tổ dân phố", vị cán bộ dân phố khuyến cáo.
Tuy nhiên ông cũng băn khoăn, luật pháp mới chỉ quy định phạt tiền đối với người đổ rác không đúng nơi quy định ở nơi công cộng. Ông cán bộ tổ dân phố này nói: "Đối với người dân khiếu nại hàng xóm xả rác qua nhà mình hoặc thùng rác gia đình gây ô nhiễm thì chúng tôi chỉ có thể giải quyết trên tình cảm, hòa giải và tinh thần xây dựng.
Thi Trân