Thứ năm, 2/1/2025
Thứ sáu, 12/8/2016, 10:16 (GMT+7)

Đồng phục học sinh trên thế giới

Rất nhiều quốc gia yêu cầu học sinh mặc đồng phục đến trường nhằm thể hiện sự bình đẳng. Có nước như Chile học sinh trường công lập, tư thục và trung tâm giáo dục khác đều phải mặc chung một mẫu đồng phục.

Ở Australia, mỗi trường hay hệ thống trường học có thể thiết lập quy định về đồng phục riêng. Mặc đồng phục là bắt buộc ở hầu hết trường công lập, tư thục và Công giáo. Logo trường thường đính ở trên cà vạt và túi áo ngực. Đồng phục nam sinh gồm áo sơ mi và quần. Một số trường chỉ cho phép mặc quần ngắn trong những lớp nhỏ và bắt buộc học sinh ở độ tuổi dậy thì (13-14) mặc quần dài. Đồng phục nữ sinh thường gồm váy họa tiết sọc hoặc caro và áo khoác mặc bên ngoài.

Đồng phục học sinh Anh được yêu cầu thể hiện sự bình đẳng giới, tự do tôn giáo, và đảm bảo chi phí thấp hợp lý. Các trường tiểu học và trung học cơ sở bắt buộc học sinh mặc đồng phục. Học sinh tiểu học thường mặc áo phông có cổ/áo sơ mi và áo khoác chui đầu với quần dài/quần sóc cho nam và quần dài/chân váy cho nữ. Đồng phục của học sinh trung học cơ sở đa dạng hơn.

Mặc đồng phục là bắt buộc ở cả trường công lập và tư thục Ấn Độ. Học sinh nam thường mặc áo sơ mi sáng màu, quần dài màu xanh, trắng hoặc đen. Đồng phục nữ thường gồm áo sơ mi và chân váy.

Ở Chile, hầu hết trường đều có đồng phục. Dưới chính quyền Carlos Ibáñez del Campo, học sinh Chile bị bắt buộc mặc đồng phục tới trường. Khi chế độ Eduardo Frei Montalva nắm quyền, các trường công lập, tư thục và trung tâm giáo dục khác phải mặc chung một mẫu đồng phục. Ngày nay, các trường tư thục có riêng mẫu cho mình.

Tất cả trẻ em phải mặc đồng phục đến trường ở Ghana. Các trường công lập có chung mẫu đồng phục với biểu tượng của trường được in trên ngực trái. Điều này giúp phân biệt học sinh từ các trường. Các trường tư thục có đồng phục riêng.

Ở Hàn Quốc, đa số trường tiểu học, trừ một số trường tư, không yêu cầu đồng phục. Nhưng từ cấp trung học cơ sở, đồng phục là bắt buộc với học sinh. Dựa trên phong cách phương Tây, đồng phục Hàn Quốc thường gồm áo sơ mi, áo khoác, cà vạt với chân váy cho học sinh nữ và quần dài màu ghi cho học sinh nam.

Phần lớn trường trong hệ thống thuộc địa cũ của Anh có đồng phục giống với trường ở Anh. Các trường Công giáo ở Hong Kong thường theo đồng phục các trường Công giáo truyền thống.

Ở Indonesia, đồng phục đi học là bắt buộc với mọi học sinh. Học sinh tiểu học mặc áo sơ mi trắng ngắn tay. Nam sinh mặc quần sóc đỏ. Nữ sinh mặc chân váy dài đến dưới đầu gối. Ở cấp trung học cơ sở, đồng phục gồm 2 màu: màu trắng với áo sơ mi ngắn tay của cả hai giới và màu xanh hải quân với quần nam và váy dài cho nữ. Học sinh trung học phổ thông được phân biệt với các em cấp dưới bằng màu quần/váy màu xanh đen.

Mặc đồng phục là bắt buộc với học sinh trường công lập ở Malaysia. Các em phải đi tất trắng và giày trắng với đồng phục. Nữ sinh Hồi giáo có xu hướng mặc baju kurung (trang phục truyền thống). Hầu hết các em bắt đầu đeo khăn trùm đầu trắng khi vào cấp hai. Còn nữ sinh không theo Hồi giáo mặc váy yếm.

Nhiều trường của New Zealand theo phong cách đồng phục của Anh. Tuy nhiên, nhiều trường công lập thay áo khoác với cà vạt và quần dài bằng áo thu rộng vào quần sóc ghi cho nam.

Nhật Bản đưa đồng phục vào trường học vào cuối thế kỷ 19. Ngày nay, đồng phục hầu như phổ biến trong hệ thống giáo dục công lập và tư thục và cũng được dùng trong một số trường đại học nữ sinh. Đồng phục trung học phổ thông truyền thống mang phong cách quân sự ở thiết kế cho nam và thủy thủ ở thiết kế cho nữ.

Các trường công lập và tư thục Philippines đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Có một số ngày cụ thể học sinh có thể mặc thường phục. Đồng phục học sinh tiểu học thường có màu trắng, xanh lá đậm và nâu nhạt. Học sinh trung học phổ thông có đồng phục đa dạng màu hơn.

Đồng phục là bắt buộc với học sinh, ngay cả sinh viên đại học ở Thái Lan. Kiểu tóc của học sinh cũng được nhà trường và Bộ Giáo dục quan tâm, nam không được để tóc dài. Một số trường thậm chí không cho phép nữ nuôi tóc dài.

Quỳnh Linh