Myanmar rơi vào hỗn hoạn sau khi quân đội đảo chính, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử hôm 1/2. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh diễn ra hơn một tháng nay, khiến hơn 220 người thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị bắt giữ, theo một nhóm quan sát ở Myanmar.
Chính quyền do quân đội quản lý tuần này áp đặt thiết quân luật lên 6 thị trấn thuộc Yangon, cố đô kiêm thủ phủ kinh tế của Myanmar, đặt gần hai triệu người dân dưới sự kiểm soát trực tiếp của chỉ huy quân sự.
Truyền thông địa phương hôm nay đưa tin tuyến đường cao tốc chính từ Yangon để hướng lên phía bắc đông nghịt phương tiện chở người dân tháo chạy khỏi thành phố.
"Tôi không còn cảm thấy an toàn và được bảo vệ nữa, nhiều đêm mất ngủ", một người dân sống gần khu vực lực lượng an ninh bắn chết người biểu tình tuần trước, nói.
"Tôi rất lo chuyện tồi tệ nhất sẽ xảy ra bởi nơi tôi sống đang rất căng thẳng. Lực lượng an ninh đang trấn áp những người xuống đường". Người phụ nữ này cho biết đã mua vé xe khách về quê ở phía tây Myanmar và sẽ rời đi trong vài ngày nữa.
Một thanh niên 29 tuổi làm nghề kim hoàn tại Yangon cho hay đã rời khỏi thành phố vì cảnh sát liên tục trấn áp.
"Ở lại quá căng thẳng", anh nói. "Sau khi về quê, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và an toàn hơn nhiều".
Tại tỉnh Tak của Thái Lan, giáp biên giới Myanmar, giới chức cho biết đang chuẩn bị nơi ở cho dòng người tị nạn có thể tràn sang.
"Nếu nhiều người Myanmar tràn qua biên giới vì tình huống khẩn cấp, chúng tôi đã sẵn sàng phương án tiếp nhận", tỉnh trưởng Pongrat Piromrat nói. Ông cho hay tỉnh Tak đủ sức hỗ trợ khoảng 30.000 tới 50.000 người.
Có khoảng 90.000 người tị nạn Myanmar sống dọc biên giới hai nước. Họ chạy trốn cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ giữa quân đội và các nhóm dân quân.
Hồng Hạnh (Theo AFP)