Nhạc sĩ cho biết khi nghe tin Phi Nhung qua đời từ em gái, anh bàng hoàng, vào phòng thu bật khóc. Anh nghĩ tới hình ảnh mộc mạc, tấm lòng nhân hậu của ca sĩ và sáng tác Khóc Nhung. Anh nói: "Bình thường khi viết nhạc tôi phải cân nhắc ca từ sao cho có tính thơ nhưng ca khúc này tuôn trào từ mạch cảm xúc buồn khôn xiết. Tôi nghĩ sao lời ra như vậy và không chỉnh sửa".
Bài hát được hòa âm theo điệu rumba. Quốc Vũ dùng hiệu ứng âm thanh tiếng chuông chùa kết hợp tiếng đàn organ điện tử, tạo nên đoạn mở đầu và kết như lời tiễn biệt cố ca sĩ.
"Em đã đi, từ biệt cõi trần gian/ Hồn theo gió khuất sau đời bẽ bàng/ Hoa trắng bay khóc người em viễn xứ/ Để lại trần gian, một nắm tro tàn... Em đã sống cả đời vì nhân thế/ Luôn giúp cho người hạnh phúc an vui/ Sống cho đi, không màng vì lợi danh/ Trả hết nợ đời ở chốn trần ai/ Trả hết nợ trần, xin hẹn lại kiếp sau".
Theo Quốc Vũ, sau khi hoàn thành bản hòa âm ca khúc, anh gửi cho em gái - Hồng Ngọc - nghe thử. Ca sĩ xúc động và nói anh dựng thành video nhạc. Nhạc sĩ dùng những hình ảnh trên mạng, từ người thân làm video.
Quốc Vũ là con thứ hai trong gia đình có năm chị em của ca sĩ Hồng Ngọc. Hơn 10 năm trước, anh sáng tác nhiều ca khúc như: Lệ khóc (Hồng Ngọc thể hiện), Vì em đã quên (Đàm Vĩnh Hưng), Tình không bến bờ (Khang Việt)... Những năm gần đây, anh ít sáng tác mà tập trung kinh doanh phòng trà tại Sài Gòn. Trong thời dịch, anh có nhiều cảm hứng khi nhìn thấy các lực lượng tuyến đầu ngày đêm chống dịch nên viết chuỗi ca khúc: Sài gòn mùa thương (gia đình Cẩm Vân), Về quê con ơi, Trả lại Sài Gòn, Sài Gòn ơi.
Ngoài Quốc Vũ, ca sĩ Nguyên Vũ thể hiện ca khúc Sinh ly biệt (nhạc sĩ Long Họ Huỳnh), nghệ sĩ Châu Thanh viết đoạn ca cổ tiễn biệt Phi Nhung. Khi nghe tin ca sĩ qua đời, nhạc sĩ Quốc Bảo trích đăng ca khúc Nhung ca anh từng viết tặng chị.
Tâm Giao