Hôm 16/4, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan (DDC) dự đoán số ca Covid-19 sẽ tăng sau lễ hội té nước (Tết Songkran) mừng năm mới, bắt đầu từ tuần trước, kéo dài ba ngày. Đây là lần đầu tiên lễ hội diễn ra sôi nổi sau ba năm hạn chế vì Covid-19, tại gần 200 địa điểm chính thức ở Bangkok.
Tổng giám đốc DDC Thares Krasanairawiwong cho biết ngày 9-15/4 có 435 ca nhiễm mới nhập viện, gấp ba lần so với tuần trước. Trong đó, 30 ca bị viêm phổi, 19 ca thở máy, hai trường hợp tử vong. "Những người tham gia Tết Songkran không phải xét nghiệm nCoV, hầu hết không đeo khẩu trang, khiến Thái Lan có thể đối mặt với làn sóng Covid", ông Thares cho hay.
Số ca nhiễm tại Indonesia, Malaysia và Singapore cũng được dự báo tăng nhanh trong thời gian diễn ra lễ hội Hari Raya (đánh dấu kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo) đầu tháng 5. Đây là dịp người dân hồi hương đoàn tụ với gia đình hoặc xuống đường ăn mừng.
Indonesia báo cáo hơn 900 ca mỗi ngày kể từ 11/4, trong đó có hai ca nhập cảnh nhiễm biến chủng XBB.1.16 - chủng mới gây đợt bùng phát hiện nay ở châu Á. Tổng thống Joko Widodo kêu gọi tất cả người hồi hương hoàn thành tiêm phòng Covid-19. Khi hầu hết hạn chế đã được dỡ bỏ, khoảng 120 triệu người Indonesia dự kiến ra đường. Đây có thể là dòng người có quy mô lớn nhất tại nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu năm 2020.
"Điều quan trọng nhất là tiêm chủng, đặc biệt tiêm mũi nhắc lại. Những người chưa được tiêm phòng phải thận trọng, nếu muốn an toàn trước Covid-19", ông Widodo nói.
Tình hình tương tự tại Malaysia. Bộ Y tế cho biết số ca nhập viện do Covid-19 đầu tháng 4 tăng 17,6% so với tháng 3. Trong đó, 63% ca nhiễm là bệnh nhân 60 tuổi trở lên, 90% có bệnh nền. Hầu hết họ mắc triệu chứng nhẹ. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân chưa tiêm vaccine cao gấp 6 lần so với người tiêm ít nhất một liều.
Giáo sư Moy Foong Ming, khoa Y tế Dự phòng và Xã hội của Đại học Malaya, đề nghị Bộ Y tế tăng cường truyền thông về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang trong thời điểm số ca nhiễm tăng cao.
Người có nguy cơ cao, chẳng hạn như người già, người béo phì, mắc nhiều bệnh đi kèm, bị suy giảm miễn dịch, rất dễ tái nhiễm. Vì vậy, họ được khuyến nghị đeo khẩu trang, theo giáo sư Sharifa Ezat Wan Puteh, chuyên gia y tế công cộng Đại học Kebangsaan Malaysia. Bà cũng kêu gọi mọi người hoàn thành tiêm chủng, cả các liều cơ bản và liều tăng cường đối với những người đủ điều kiện.
Giới chức đề cập đến nguy cơ phát sinh các cụm lây nhiễm ở trường học. Giáo sư Ming kêu gọi phụ huynh không nên cho con đến trường nếu các em có triệu chứng mắc Covid-19. Tuy nhiên, bà cho rằng không nhất thiết ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang, do không còn khả thi khi Covid-19 dần được coi là bệnh thông thường.
"Chúng ta phải cùng tồn tại với virus, thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách tự nguyện khi số ca nhiễm gia tăng", bà nói và thêm nếu bắt buộc đeo khẩu trang thì cần có biện pháp xử phạt người không tuân thủ. Tuy nhiên, biện pháp chế tài này không góp phần giáo dục cộng đồng, mà khiến mọi người miễn cưỡng và sợ hãi.
Singapore ghi nhận làn sóng Covid-19, số ca nhiễm hàng ngày tăng từ khoảng 1.400 ca lên khoảng 4.000 vào tuần trước. Trong đó, 30% ca tái nhiễm, cao hơn tỷ lệ 20-25% trong đợt trước đó, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết, hôm 14/4.
Số bệnh nhân nhập viện cũng tăng, từ 80 lên 220 người trong một tuần qua. Tuy vậy, Bộ trưởng Ong nhận định con số này vẫn thấp hơn nhiều so với bệnh nhân nhập viện vì bệnh không lây nhiễm. "Những gì đang diễn ra cho thấy chúng ta đã tiến xa trong việc đối phó với Covid-19", ông nói, cho rằng ngay cả trong làn sóng hiện tại, chúng ta tiếp tục cuộc sống bình thường, không bận tâm về số ca nhiễm. Đây mới là bản chất đặc hữu của bệnh.
Theo ông, nCoV đã trở nên thường quy, tức là luôn lưu hành trong cộng đồng. Điều gây nên làn sóng dịch mới ở địa phương không phải do người nhập cảnh hay du khách, mà bởi tái nhiễm. Khi khả năng bảo vệ từ vaccine hoặc nhiễm bệnh tự nhiên suy yếu theo thời gian, người dân sẽ mắc bệnh lần nữa, khiến số ca dương tính tăng lên, một làn sóng mới xuất hiện.
Ông Ong cho biết Singapore tiếp tục giải trình tự gene virus, đặc biệt chú ý biến chủng XBB.1.16. Báo cáo cho thấy chưa có biến chủng chiếm ưu thế, không có bằng chứng chúng gây ra triệu chứng nặng hơn.
Tại Việt Nam, số ca nhiễm mới cũng đang tăng trở lại, kéo theo số người nhập viện tăng. Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ Covid có thể lây nhiễm trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, khuyến cáo người dân thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm chủng đúng lịch, đủ liều do vaccine vẫn có hiệu quả phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong.
Hôm 14/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm nCoV tăng 480% ở Ấn Độ và Đông Nam Á trong một tháng qua, kéo theo số người nhập viện tăng. Số ca tử vong được ghi nhận là 309, tăng 109%, cao nhất tại Ấn Độ (184). Số ca nhiễm tăng, kéo theo số người nhập viện tăng 0,2%, nhưng số điều trị trong khu hồi sức tích cực (ICU) giảm 7%. Các quốc gia trong khu vực cho rằng làn sóng Covid-19 mới xảy ra do những biến chủng phụ XBB, một phiên bản của Omicron có khả năng lây truyền cao, nhưng không gây triệu chứng nghiêm trọng.
Thục Linh (Theo Straits Times, CNA)