Trước đó chuẩn bị cho việc "mở cửa" từ ngày 1/10, UBND TP HCM gửi dự thảo lấy ý kiến phương án tổ chức giao thông cho một số trường hợp có nhu cầu thường xuyên đi lại giữa thành phố và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo dự thảo, có 5 nhóm hay qua lại, gồm: vận tải hàng hóa; đưa đón công nhân, chuyên gia; hoạt động công vụ; khám chữa bệnh và đưa đón ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ở mỗi nhóm, TP HCM đều đưa ra phương án cụ thể, nhưng tựu chung điều kiện: đã tiêm vaccine mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc đã khỏi Covid-19; kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV còn hiệu lực; ôtô đưa rước...
Sau đề xuất nói trên, TP HCM tiếp tục có phương án lấy ý kiến 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh về người lái ôtô, xe máy cá nhân được đi giữa 5 địa phương, khi đáp ứng điều kiện: khỏi Covid-19 dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine (ít nhất một mũi với loại vaccine 2 mũi và sau 14 ngày tiêm), hoặc xác nhận xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực trong 7 ngày.
Phương án này thu hút sự quan tâm vì hàng ngày rất nhiều người dân, lao động, công nhân từ 4 địa phương tới TP HCM và ngược lại, song không phải doanh nghiệp, đơn vị nào cũng có điều kiện tổ chức ôtô đưa đón.
Ngày 6/10, ông Dương Mạnh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết UBND tỉnh thống nhất các đề xuất của TP HCM. Tuy nhiên, về vấn đề đi lại bằng xe cá nhân giữa Đồng Nai và TP HCM chưa được tỉnh đồng tình.
"Tỉnh chỉ đồng ý cho phép người lao động, chuyên gia từ TP HCM đến Đồng Nai bằng ôtô công ty đưa đón. Còn phương án cho người lao động chạy xe cá nhân đề nghị TP HCM chưa triển khai", ông Hưng nói và lý giải hiện Covid-19 ở Đồng Nai đang phức tạp, nếu để xe cá nhân các tỉnh vào sẽ khó kiểm soát. Hiện, văn bản được tỉnh hoàn thiện gửi phản hồi TP HCM.
Cùng quan điểm với Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết cơ bản thống nhất các đề xuất của TP HCM về sự phối hợp liên vùng. Tuy nhiên, Tây Ninh hiện tỷ lệ tiêm chủng còn thấp so với các tỉnh lân cận nên cần kiểm soát chặt xe cá nhân ra vào.
"Chúng tôi thống nhất không để các xe cá nhân tự ý đi mà phải tổ chức như xe doanh nghiệp thực hiện 'một cung đường, 2 điểm đến' để kiểm soát trong quá trình di chuyển, tránh lây nhiễm vào các khu công nghiệp", ông Ngọc nói.
Người đứng đầu chính quyền Tây Ninh nói thêm việc kiểm soát xe cá nhân sẽ được tỉnh thực hiện từng bước và thận trọng. Khi địa phương có độ phủ vaccine cao sẽ nới lỏng ra cho phù hợp.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết cơ bản thống nhất các đề xuất của TP HCM. Trong đó, xe cá nhân tạm thời đi giữa TP Thủ Đức và TP Thuận An, Dĩ An. Người qua lại cần tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, có kết quả xét nghiệm nCoV trong vòng 7 ngày.
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An thông tin, hiện người dân di chuyển tự do bằng xe máy muốn đi từ tỉnh này qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai phải đảm bảo có thẻ xanh, bao gồm người đã tiêm 2 mũi, người mắc Covid đã khỏi... mà không cần kết quả test nhanh âm tính.
Các trường hợp tiêm một mũi, chưa tiêm vaccine đều không được phép. Ngoài ra, xe máy từ tỉnh Tiền Giang hiện không được phép vào địa bàn Long An. Về đề xuất còn lại, Long An đều thống nhất với TP HCM.
Trừ Tây Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Long An là 4 địa phương nằm trong tâm dịch, với hơn 704.000 ca nhiễm trong tổng số khoảng 818.000 ca của cả nước, chiếm tỷ lệ 86%. Năm tỉnh thành giáp ranh nhau, tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy, hàng ngày người dân, đặc biệt là lao động, công nhân có nhu cầu rất lớn qua lại giữa các địa bàn để công tác, làm việc.
Phước Tuấn - Hoàng Nam