Ngày 12/10, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa tiến hành khử khuẩn khu vực người này sinh sống ở phường Long Bình Tân, điều tra dịch tễ để ngăn đậu mùa khỉ lây lan cộng đồng.
Đây là bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai được ghi nhận tại Đồng Nai, ca thứ 17 cả nước.
Theo điều tra dịch tễ, người này làm thợ chụp hình, khởi phát bệnh với các tổn thương da, phát ban dạng mủ kích thước không đều tại vùng cơ quan sinh dục, sau đó lan lên tay, chân, đầu mặt, thân mình. Các tổn thương da ngày càng nhiều, bệnh nhân còn có các biểu hiện ngứa, loét miệng, đau họng khi nuốt, nổi hạch nách và bẹn...
Ngày 3/10, người này đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám, mẫu xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Hiện bệnh nhân trong tình trạng viêm kết mạc mắt, các vết tổn thương da còn chảy dịch ở mặt, tay, bộ phận sinh dục, không sốt, không ho.
Người này cho biết chưa từng tiếp xúc với người nước ngoài và không đi nước ngoài trong mấy tháng gần đây.
Từ khi khởi phát bệnh đến ngày 7/10, người này ở nhà, trong phòng riêng; không đi làm trong vòng một tháng qua nên chỉ tiếp xúc với những người thân trong gia đình. Nhà chức trách bước đầu ghi nhận 5 người thân tiếp xúc gần bệnh nhân, đang theo dõi sức khỏe.
Bệnh nhân đang được cách ly điều trị ở nhà.
Trước đó, nam thanh niên 25 tuổi, nhà ở huyện Xuân Lộc, trọ tại TP HCM, được xác định mắc đậu mùa khỉ, là ca đầu tiên của Đồng Nai. Người này hiện cũng chưa xác định được nguồn lây, và đã lây nhiễm cho cô bạn gái đang trọ ở Bình Dương. Cô gái này được ghi nhận là ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở Bình Dương, điều trị khỏi và xuất viện vài ngày trước.
Đến nay, TP HCM đã ghi nhận 13 ca đậu mùa khỉ, Bình Dương và Đồng Nai đều hai ca, Long An một ca. Phần lớn các bệnh nhân này chưa xác định được nguồn lây nhiễm và được xem là "ca nội địa". Các chuyên gia cho rằng mầm bệnh đã âm thầm lưu hành trong cộng đồng, tuy nhiên không đáng lo ngại do cơ chế lây nhiễm lây gần giống HIV nhưng ít nguy hiểm bằng do cơ thể có thể tự thải loại virus đậu mùa khỉ nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt.
Mầm bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm thông qua tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc. Triệu chứng nghi ngờ bệnh là phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược... Người có các triệu chứng này cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, đồng thời liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Phước Tuấn