Chỉ còn vỏn vẹn 18 ngày nữa, thời hiệu để kiện Vedan sẽ chính thức chấm dứt (ngày 12/9, hai năm sau vụ việc Vedan "giết" sông Thị Vải vào tháng 9/2008), nhưng đến nay, các cơ quan chức năng Đồng Nai vẫn lúng túng trong việc nhận hay không tiền bồi thường của Vedan. Nhìn qua 2 tỉnh thành TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt đầu lên kế hoạch chia tiền cho nông dân, nhiều người có trách nhiệm của Đồng Nai chỉ biết ngậm ngùi.
Cuộc họp kín giữa Hội nông dân tỉnh Đồng Nai cùng Hội luật gia và các cơ quan chức năng khác của tỉnh này được diễn ra dưới trời âm u và mưa tầm tã. Sau hơn 3 giờ thảo luận, các bên đã thống nhất những điều cần làm ngay.
Bản dự thảo phiếu xin ý kiến của người dân về việc có tiếp tục kiện Vedan hay không. Ảnh: Kiên Cường |
"Mẫu phiếu lấy ý kiến người dân đã được hoàn chỉnh, ngay ngày mai chúng tôi sẽ gửi cho các huyện xã bị thiệt hại trong vụ Vedan để đưa ngay đến người dân. Dự kiến phải hoàn thành việc lấy ý kiến này trong tháng 8", ông Trần Văn Quang, Phó chủ tịch Hội nông dân Đồng Nai cho biết ngay sau cuộc họp.
Theo ông Quang, song song với việc lấy ý kiến người dân về việc có kiện Vedan nữa hay chấp nhận số tiền gần 120 tỷ đồng mà công ty này đã đồng ý bồi thường theo đề nghị của Viện Môi trường, tỉnh sẽ đề nghị UBND các huyện xã xác định lại cho được số hộ và con số thiệt hại từng người cụ thể.
Ông Quang liên tục nhắc đi nhắc lại là những việc làm này là theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh và việc lấy ý kiến kiện hay không là khách quan chứ không có chuyện vận động người dân không kiện mà chấp nhận tiền bồi thường. "Chúng tôi làm theo văn bản chỉ đạo của Ủy ban, trong đó không có đề cập đến việc khuyên người dân dừng kiện", ông Quang nói chắc.
Mẫu phiếu lấy ý kiến đã có, kế hoạch đi nói chuyện với dân cũng đã được vạch ra, với Đồng Nai, đây là lần chuẩn bị quy mô nhất cho vụ Vedan. Tuy nhiên, với chỉ còn một tuần là hết tháng 8, việc lấy và tổng hợp ý kiến của gần 5.000 hộ dân là một vấn đề rất khó khăn.
Đó là chưa kể đến việc sẽ có người đồng ý tiền bồi thường và có người sẽ muốn kiện, trong khi đó, Vedan khẳng định bằng văn bản: chỉ trả tiền khi không có một người dân nào khởi kiện. Đứng trước những câu hỏi này, vị phó chủ tịch hội nông dân không đưa ra bất cứ chính kiến nào.
"Sự việc chỉ được giải quyết khi 100% người đồng ý tiền bồi thường hay ngược lại là toàn bộ đồng tình khởi kiện. Nếu có người kiện người không, chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến của cơ quan chức năng", ông Quang phân tích.
Nếu điều đó xảy ra, sẽ có thêm nhiều cuộc họp kín và công khai nữa, và tỉnh sẽ tiếp tục ngồi lại với Vedan để tìm hướng giải quyết. "Càng làm càng rối thêm, vụ việc Vedan chắc chắn chưa dừng lại ở đây", một luật sư của Hội luật gia tỉnh Đồng Nai lắc đầu ngán ngẩm.
Hiện tỉnh Đồng Nai có khoảng gần 5.000 hộ bị ảnh hưởng của 4 xã Long Thọ, Phước An, Long Phước, Phước Thái và hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch trong vụ Vedan. Trong khi đó, đã có hơn 3.000 đơn được người dân nộp lên toà án kiện công ty này.
Ngày 16/8, sau cuộc họp kín, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định sẽ lấy ý kiến người dân về việc có kiện công ty này hay nhận tiền bồi thường. Bốn ngày sau, 20/8, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn cùng các huyện, xã bị thiệt hại trong vụ Vedan họp nhằm đến mục đích: Tìm cách nói sao cho người dân chấp nhận mức đền bù 120 tỷ đồng.
Kiên Cường