Theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ dành hơn 700 ha để xây dựng 66 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Danh mục này chưa bao gồm quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại.
Nguồn cung mới dự kiến 10.000 căn, tương ứng 800.000 m2 sàn. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.155 tỷ đồng. Trong đó, huyện Cẩm Mỹ có diện tích xây nhà xã hội nhiều nhất, hơn 288 ha. Tiếp đến là huyện Vĩnh Cửu, hơn 140 ha và huyện Long Thành, 79 ha.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom chọn chủ đầu tư cho hai đến ba dự án nhà ở mỗi năm. Các địa phương Long Khánh, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán chấp thuận đầu tư cho từ một đến hai dự án hàng năm.
Đồng Nai có 9 dự án nhà ở công nhân, nhà xã hội đang triển khai với diện tích hơn 52 ha, quy mô khoảng 10.200 căn hộ. Tổng vốn đầu tư hơn 10.100 tỷ đồng. Trong đó huyện Nhơn Trạch nhiều nhất với ba dự án, quy mô hơn 6.000 căn, thứ hai là huyện Long Thành với hai dự án, quy mô 1.800 căn.
Gần đây, nhiều địa phương đặt mục tiêu cao trong phát triển dự án nhà ở xã hội. Hà Nội nêu kế hoạch đến năm 2025 có thêm hơn 12.000 nhà xã hội với khoảng 870.000 m2 sàn. Sau 2025, thành phố sẽ hoàn thành 22 dự án, cung cấp khoảng 22.400 căn. TP HCM cũng đặt mục tiêu phát triển 35.000 căn đến năm 2025 và 93.000 căn đến năm 2030. Bình Dương cũng xác định xây thêm gần 42.000 căn đến năm 2025.
Những mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ có những động thái quyết liệt trong việc phát triển nhà ở xã hội. Đầu tháng 4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đến năm 2025, mục tiêu hoàn thành 428.000 căn, 5 năm tiếp theo hoàn thành 634.200 căn. Tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa. Đề án được kỳ vọng sẽ giúp giá nhà phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Ngọc Diễm