Kiến nghị trên được ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Nai ký văn bản gửi Thủ tướng xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại của tỉnh từ 47% lên 49%, trong giai đoạn 2022-2025.
Theo Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai, địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách cho Trung ương thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, hai năm qua kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19. Chín tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ và sản xuất công nghiệp... của tỉnh đều sụt giảm so với những năm trước. Đến nay, 242 doanh nghiệp ở địa bàn phải giải thể, gần 700 doanh nghiệp ngưng hoạt động.
Ngoài ra, những năm gần đây Trung ương điều tiết ngân sách về lại cho địa phương khá thấp. Trong khi đó, tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và gia tăng dân số rất nhanh, cần nhiều nguồn lực đầu tư để bảo đảm hạ tầng, an sinh xã hội.
Do đó, Đồng Nai đề nghị Trung ương điều tiết thêm 2% nguồn thu giúp địa phương có nguồn chi phục hồi kinh tế, tổ chức phòng chống Covid-19, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Địa phương cũng cần thêm vốn để đầu tư các tuyến đường kết nối giao thông tới sân bay Long Thành đang triển khai.
Năm 2021, tỉnh được giao chỉ tiêu thu ngân sách trên 47.100 tỷ đồng và số phân bổ dự toán được giữ lại, cân đối ngân sách hơn 19.700 tỷ đồng. Mức này được địa phương đánh giá rất thấp so với các tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng. Với tỷ lệ 2% đề xuất, nếu được chấp thuận tỉnh sẽ có thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết 129 của Quốc hội, năm 2021 có 16 tỉnh, thành phố đóng ngân sách về cho Trung ương; 47 địa phương còn lại được giữ 100%. Đồng Nai có tỷ lệ ngân sách giữ lại xếp thứ 4 cả nước, sau TP HCM (18%), Hà Nội (35%), Bình Dương (36%). Năm nay, tổng thu ngân sách Trung ương là 739.401 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng .
Phước Tuấn