Động thái được chính quyền tỉnh đưa ra sau khi nhận ý kiến từ Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (cơ quan quản lý, bảo vệ rừng khu vực dự kiến mở rộng quốc lộ và cầu nối Bình Phước) cùng Sở Giao thông Vận tải tỉnh.
Theo UBND tỉnh, việc xin ý kiến "thẩm định" của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) nhằm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng việc quy hoạch quốc lộ 13C (nâng cấp từ đường ĐT 753) và xây cầu Mã Đà. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, làm việc với hai tỉnh - nơi có dự án đi qua, để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai rộng trên 100.000 ha, cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Ramsar Bàu Sấu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai, đã được Ủy ban UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2011. Tuy nhiên, hệ sinh thái khu bảo tồn nguy cơ bị tác động khi Bình Phước đề xuất làm cầu, đường xuyên rừng kết nối giao thương khu vực.
Trong văn bản gửi UNESCO, chính quyền Đồng Nai nêu sự lo ngại tác động của tuyến đường đến việc bảo tồn rừng tại đây. Tỉnh dẫn chứng Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp quy định về việc can thiệp đến di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt là làm cầu, làm đường trong rừng. Trước đó, Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB) đã kiến nghị Đồng Nai không xây cầu Mã Đà nối tỉnh Bình Phước.
Nêu quan điểm với UNESCO, Đồng Nai cho rằng việc xây dựng cầu và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo hình thành tuyến đường dài 40 km đi qua vùng lõi của rừng đặc dụng, gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Điều này đi ngược chiến lược của MAB, gây chia cắt, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng sinh cảnh của các loài động vật hoang dã do xe cộ chạy qua. Nếu tổ chức UNESCO can thiệp, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ bị thu hồi. Chưa kể, việc làm cầu Mã Đà, đường xuyên khu dự trữ sinh quyển sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng công tác bảo tồn ba di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đây không phải lần đầu tiên Đồng Nai lo ngại dự án trên ảnh hưởng khu dự trữ sinh quyển. Cách đây gần 10 năm, Bình Phước chưa thể triển khai công trình do tỉnh bạn không đồng thuận. Phía Đồng Nai sau đó cũng chặn đường và cấm phà qua lại khúc sông trên do e ngại tác động khu bảo tồn.
Đồng Nai có diện tích rừng lớn nhất Đông Nam Bộ, với 169.000 ha, gồm ba loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng. Tỉnh là một trong những địa phương đóng cửa rừng sớm nhất nước, vào năm 1996.
Phước Tuấn