Nội dung trên vừa được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua tại Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2024 (lần 4) tại kỳ họp thứ 20 khoá X.
Cụ thể, hơn 163 ha đất trồng lúa thuộc địa bàn các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa sẽ được chuyển đổi để thực hiện 6 dự án. Trong đó, Khu đô thị Hiệp Hòa tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa là dự án có diện tích đất trồng lúa sẽ được chuyển mục đích sử dụng lớn nhất với hơn 141 ha.
Theo quy hoạch, Khu đô thị Hiệp Hòa có quy mô hơn 290 ha, nằm ở vị trí đắc địa trên cù lao Phố giữa sông Đồng Nai, kết nối trung tâm TP Biên Hòa bằng những cây cầu. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 72.290 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 16.700 tỷ.
Tháng trước, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận liên danh 5 nhà đầu tư làm siêu dự án này. Liên danh gồm Công ty TNHH Lan Anh - Phú Quốc, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời, Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Mặt Trời và Công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc.
Khu đô thị Hiệp Hòa sẽ cung cấp hai loại hình nhà ở gồm thấp tầng (liền kề, biệt thự) và cao tầng (chung cư thương mại, nhà ở xã hội). Diện tích xây dựng nhà ở chiếm khoảng 20% tổng diện tích đất của dự án.
Dự án hoạt động 50 năm, dự kiến thực hiện trong 12 năm, từ 2023 đến 2035, phân kỳ giai đoạn theo 6 dự án thành phần.
Ngoài Khu đô thị Hiệp Hòa, 5 dự án còn lại cũng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa gồm dự án hạ tầng Khu tái định cư tại thị trấn Long Thành (giai đoạn 1), dự án đường kết nối, dẫn vào cầu Hiếu Liêm cùng ba dự án truyền tải điện Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Là một trong những thủ phủ công nghiệp phía Nam, Đồng Nai trải qua nhiều giai đoạn phát triển nóng thị trường bất động sản. Nguồn cung thị trường này chủ yếu loại hình đất nền, biệt thự, nhà phố. Thời gian qua, cùng với diễn biến chung của thị trường, thanh khoản nhiều phân khúc khu vực này có xu hướng ảm đạm.
Đình Trí