Trong khi hai tỉnh thành TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đang lên kế hoạch để chi tiền cho người dân thì Đồng Nai vẫn bối rối với việc có hay không nhận số tiền mà Vedan đền bù khi người dân vẫn tiếp tục nộp đơn ra tòa kiện công ty này.
Con số đền bù 120 tỷ đồng do Viện Môi trường xác định và tỉnh Đồng Nai cũng chấp nhận, tuy nhiên người dân không nghĩ vậy. Thêm nữa, ở TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, nông dân ủy quyền cho luật sư kể cả việc thương lượng, ký cam kết thỏa thuận bồi thường với Vedan. Còn với trường hợp Đồng Nai, luật sư đại diện nông dân chỉ có thể giúp người dân làm đơn và đảm nhiệm việc nộp lên tòa án.
Cuộc họp giữa Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn cùng các huyện, xã bị thiệt hại trong vụ Vedan chiều nay tại Đồng Nai nhằm đến mục đích: Tìm cách nói sao cho người dân chấp nhận mức đền bù 120 tỷ đồng.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên: "Không để sót người dân nào không được bồi thường". Ảnh: Kiên Cường |
"Dù không biết đúng hay sai nhưng đến thời điểm này, chúng ta buộc phải chấp nhận con số gần 120 tỷ đồng mà Viện Môi trường đưa ra chứ không có cách nào khác. Xem như con số đó là chính xác, quan trọng là bàn cách chia như thế nào cho thích hợp", ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai phát biểu.
Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai Hoàng Văn Thống cũng cho rằng người dân nên có bao nhiêu nhận bấy nhiêu, đòi thêm nữa cũng không có. "Như vậy là tạm thỏa mãn rồi, đã được như vậy thì kiện nữa cũng không hay", ông Thống nói.
Con số gần 120 tỷ đồng được các lãnh đạo chủ trì cuộc họp nhắc đi nhắc lại là "coi như chúng ta đã bỏ túi ngần ấy tiền, vấn đề là phải xẻ con số này ra như thế nào và nói với người dân ra sao để họ chấp nhận".
"Phải nói sao về cách thức, phương pháp chi trả cho người dân chấp nhận được dù chưa hẳn đã bằng lòng hoàn toàn", ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích.
Phương thức chi trả cào bằng không nhận được sự hưởng ứng của các huyện xã, tuy nhiên tính toán đã phân vùng của Viện Môi trường cũng không hợp lý.
"Theo như Viện Môi trường tính thì xã Phước An xa trụ sở của Vedan nhất, nhưng nhận được 72 triệu đồng một hecta. Còn xã Phước Thái ở ngay vị trí có công ty này mà chỉ nhận được 50 triệu một hecta", Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Thái bức xúc.
Đại diện huyện Long Thành lấy một ví dụ về cách xác định của Viện khiến mọi người chỉ biết nhìn nhau: Vùng ô nhiễm theo Viện Môi trường tại một xã thuộc huyện này được xác định là 500 ha, nhưng thực tế dân khai chỉ 200 ha. "Không lẽ nhận tiền đền bù của 500 ha chia cho 200 ha", vị này nói.
Cuộc họp dần đi tới bế tắc khi Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Phan Văn Hết hỏi đi hỏi lại: "Giờ theo các anh phải tính sao ?" Kết quả đáng kể nhất của cuộc họp là ông Hết khẳng định sẽ không bỏ sót người dân nào, tức những xã có phát sinh thêm người có thiệt hại ngoài vùng đã được xác định trước đây của Viện Môi trường thì vẫn được đền bù. "Các xã trong vùng được bồi thường của Viện có nghĩa vụ xác minh các trường hợp phát sinh và đưa vào diện được đền bù", ông Hết nói.
Hiện theo thống kê, tỉnh Đồng Nai có khoảng 4.700 hộ bị ảnh hưởng của 4 xã Long Thọ, Phước An, Long Phước, Phước Thái và hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch trong vụ Vedan. Trong khi đó, đã có hơn 3.000 đơn được người dân nộp lên toà án kiện công ty này. Dự kiến vào thứ hai Hội nông dân tỉnh sẽ tổ chức họp và phát phiếu cho nông dân để lấy ý kiến về việc tiếp tục kiện Vedan hay chấp nhận mức bồi thường.
Kiên Cường