Theo Huffington Post, Dòng máu cao quý ra mắt năm 2021, là món quà tiểu thuyết gia Amélie Nothomb tặng cựu Đại sứ Bỉ tại Nhật Bản Patrick Nothomb - người cha bà tôn kính. Ông qua đời ở tuổi 83 tuổi sau cơn đau tim, ngay lúc châu Âu bị phong tỏa vì Covid-19 (tháng 3/2020). Amélie Nothomb sốc, đau khổ khi không thể tạm biệt, đưa tang cha.
Tác giả Amélie Nothomb pha trộn yếu tố hư cấu và tự truyện, để cha thuật lại cuộc đời ông bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất - "tôi". Tiểu thuyết bắt đầu và kết thúc với chi tiết nhà ngoại giao trẻ Patrick Nothomb cùng hàng trăm người Bỉ bị quân nổi dậy tại Stanleyville (nay là Kisangani, Congo) bắt làm con tin. Patrick nghĩ mình sẽ chết trẻ như người cha ông chưa từng gặp.
"Người ta đưa tôi đến trước đội hành quyết. 12 người đàn ông nhắm nòng súng vào tôi. Liệu tôi có thấy lại cuộc đời mình lướt qua trước mắt? Điều duy nhất tôi cảm thấy là một cuộc cách mạng phi thường: Tôi còn sống. Mỗi thời khắc đều có thể cắt nhỏ đến vô tận, cái chết sẽ không thể bắt kịp tôi, tôi chìm trong hạt nhân cứng của hiện tại", sách có đoạn.
Trong thời khắc sinh tử, Patrick hồi tưởng thời thơ ấu bị mẹ - quả phụ thích giao du với giới thượng lưu - bỏ bê. Cậu may mắn được ông bà ngoại giàu có nuôi dưỡng, cưng chiều. Vì muốn Patrick cứng cỏi, ông ngoại quyết định đưa cháu trai 6 tuổi đến nhà nội - nam tước Pierre Nothomb - quý tộc hết thời sống ở tòa lâu đài xây từ thế kỷ 17, nhưng không đủ ăn.
Patrick bị hấp dẫn bởi tính cách hào sảng nhưng luôn ảo tưởng mình là thiên tài văn học của ông nội hay các cô chú có phần hoang dã. Cậu phải tranh giành đồ ăn thừa với đám anh em họ, chui rúc trong một căn phòng lạnh buốt vào mùa đông. Dù thiếu thốn và trải qua nhiều thử thách, cậu cảm nhận hạnh phúc, dần học cách mạnh mẽ, gan dạ. Trưởng thành, Patrick kết hôn với Danièle, bất chấp bị ông nội ngăn cấm. Vợ chồng họ xúc động khi đón con đầu lòng.
Trang sách cũng dẫn dắt độc giả đến với chặng đường Patrick thành nhân viên ngoại giao, khôn khéo trong mọi hoạt động, bôn ba nhiều quốc gia với vai trò Đại sứ Bỉ. Ông trải qua nhiều cuộc đấu trí căng thẳng, thậm chí suýt mất mạng trong cuộc bạo loạn. Nhờ tài đàm phán và dũng cảm, ông giúp nhiều người Bỉ thoát chết.
Dòng máu cao quý đoạt Renaudot 2021 - giải văn chương có tuổi đời gần 100 năm, được tạp chí Lire xếp vào 100 cuốn sách tiêu biểu của năm. Télérama nhận xét tác phẩm "tàn bạo, dịu dàng và hài hước". Amélie Nothomb đã dựng lại chân dung cha bà đầy mạnh mẽ, thấu cảm và can trường. Nhật báo Le Parisien lại ví tiểu thuyết "như viên ngọc quý", câu từ chắt lọc, súc tích nhưng cảm động.
Amélie Nothomb sinh năm 1967 tại Kobe, Nhật Bản, từng theo cha sống ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Bangladesh, Burma, Lào và về Bỉ năm 17 tuổi. Sau tốt nghiệp Ngữ văn, Đại học Libre de Bruxelles, bà quay lại Nhật làm thông dịch viên cho một tập đoàn lớn. Là cô gái châu Âu, trước những luật lệ và phong cách làm việc của người Nhật, Nothomb bị sốc văn hóa, cảm thấy bị cô lập. Những tháng cuối của hợp đồng lao động, Amélie Nothomb phải làm việc trong toilet, bị yêu cầu đảm bảo đủ giấy lau cho mọi người. Quay lại châu Âu trong trạng thái hụt hẫng, thất vọng, bà dành thời gian viết tiểu thuyết đầu tay.
Bà từng nói trong cuốn Sững sờ và run rẩy: "Nếu không có sự cố đáng buồn ở công ty, có lẽ tôi không bao giờ đủ dũng khí viết sách để xuất bản". Tác giả chinh phục người đọc với loạt tiểu thuyết Hồ sơ kẻ sát nhân, Hủy hoại vì yêu, Kẻ hai mặt, Axit sunfuric, The Life of Hunger, Nhật ký chim én, Vòng tay samurai.
Văn đàn thế giới dành cho Amélie Nothomb nhiều mỹ từ, ví bà "có phép màu, biến thủy ngân thành vàng, biến một câu chuyện nhẹ nhàng, lôi cuốn thành triết lý nhỏ". Tuy nhiên, bà cũng bị xem là tiểu thuyết gia bí ẩn, lập dị từ trang phục đến lối sống. Tiểu thuyết gia có thể bỏ đói bản thân suốt ngày rồi lại ngốn vô khối chocolate, xinh đẹp nhưng luôn khăng khăng mình sẽ xấu xí nếu không đội mũ, chỉ ngủ bốn tiếng mỗi đêm, lại bỏ ra bốn tiếng mỗi ngày để trả lời thư độc giả.
Thiên Lam