Được mệnh danh là "đầu tàu kinh tế" cả nước, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP HCM và 7 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Vùng chỉ chiếm 20% dân số nhưng đóng góp đến 45% GDP và 40% thu ngân sách, trong đó 4 địa phương trong có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất.
Từ khi hình thành, vùng đã tạo động lực lớn cho các tỉnh, thành thành viên, đồng thời là trung tâm thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước với lượng lớn khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động. Đây cũng là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu cả nước, đóng vai trò cửa ngõ giao lưu quốc tế, cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới.
Ngoài những lợi thế về kinh tế, đòn bẩy cho sự phát triển của bất động sản khu vực này còn là cơ sở hạ tầng. Đơn cử, Đồng Nai với đề án trọng điểm Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng. Tỉnh cũng thừa hưởng thêm các dự án mang tầm quốc gia như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Long Thành - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, cao tốc Gầu Giây - Phan Thiết, đường Vành đai 3...
Hay tại Long An, hàng loạt công trình giao thông được triển khai như đề án metro 3A từ Bến Thành (TP HCM) đi Tân Kiên (Long An), dự án đường DT 827E, dự án đường DT 830E, tuyến đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước, cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Trung Lương - Cần Thơ giúp khơi thông huyết mạch di chuyển trên trục Bắc - Nam của tỉnh Long An.
Về nhu cầu đầu tư bất động sản, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được nhắm đến như một vùng đất triển vọng cho dự án bất động sản nhà ở, khu đô thị phụ trợ khu công nghiệp... Trong bối cảnh nguồn cung nội đô TP HCM ngày càng khan hiếm, khu vực này tiếp tục gia tăng nhu cầu lớn về nhà ở mở rộng ra tỉnh vùng ven.
Nhiều tháng qua, bất chấp những ảnh hưởng của Covid-19, thị trường bất động sản phía Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Báo cáo của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường đạt xấp xỉ 80%. Trong đó, TP HCM vẫn dẫn đầu toàn thị trường, chiếm 75% nguồn cung và 83% lượng tiêu thụ mới trong tháng. Yếu tố chính đóng góp cho thành công này là uy tín thương hiệu của chủ đầu tư, kinh nghiệm tổ chức mở bán trực tuyến cũng như ứng dụng tốt nền tảng công nghệ.
Bên cạnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khu vực thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Vùng bao gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Khu vực này sở hữu vị trí và vai trò quan trọng trong chiến lước phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia. Đây cũng là một trong những đồng bằng lớn và màu mỡ nhất Đông Nam Á, hội tụ điều kiện tự nhiên thuận lợi từ thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển nông nghiệp, thủy hải sản cũng như công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Với tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, hạ tầng khu vực cũng liên tục được đầu tư mạnh mẽ. Đáng chú ý là 7 dự án tuyến đường bộ cao tốc được đề xuất phát triển tại Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2021-2025, được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Trong bối cảnh quỹ đất tại TP HCM và các tỉnh lân cận đang ngày càng thu hẹp, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội thu hút đầu tư bất động sản.
Chia sẻ với báo giới, tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đón nhận dòng vốn đầu tư từ hai nhóm. Một là nhóm nhà đầu tư cá nhân, đa phần mua đất làm vườn để phục vụ mục đích nghỉ dưỡng cuối tuần, còn mục đích sinh lợi vẫn chưa rõ ràng. Hai là nhóm nhà đầu tư doanh nghiệp đang có tầm nhìn rộng ra ngoài TP HCM khi quỹ đất dần eo hẹp.
Điểm sáng để thu hút nhà đầu tư của khu vực này là cơ sở hạ tầng xã hội được chú trọng phát triển, dòng di dân đang được cải thiện và dân số lên tới gần 20 triệu dân. Riêng nhóm nhà đầu tư nước ngoài lại gặp các hạn chế về tiếp cận quỹ đất nên mức độ đầu tư từ nhóm này chưa đạt như kỳ vọng.
Một số chuyên gia dự báo, các phân khúc bất động sản nông nghiệp, du lịch và nhà ở sẽ là những điểm sáng trước mắt tại Đồng bằng sông Cửu Long khi nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng tốt và mạng lưới giao thông ngày càng cải thiện. Trong khi bất động sản thương mại và văn phòng sẽ cần thêm một thời gian nữa để đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng bất động sản Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long là gì? Đâu là cơ hội và thách thức với nhà đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới? Những nội dung lớn này sẽ được các chuyên gia tiếp tục phân tích, bàn luận trong chương trình "Đón đầu bất động sản Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long", phát sóng trên VnExpress vào 15h ngày 18/9.
Các vị chuyên gia sẽ tham dự chương trình là ông Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư TP HCM; tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế và chính sách ngân hàng tài chính quốc tế và ông Nguyễn Đăng Phương - Phó tổng giám đốc TNR Holdings Vietnam - đơn vị đang phát triển nhiều dự án bất động sản tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoài Phong