Tối 1/6, hàng chục phóng viên, khách mời và diễn giả tập trung tại sảnh khách sạn Shangri-La, Singapore, bàn tán về một vị khách bất ngờ đang trên đường đến dự Đối thoại Shangri-La, hội nghị an ninh, quốc phòng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Họ cố gắng tìm vị trí quan sát thuận lợi ở sảnh và chờ đợi hơn một giờ. Diễn giả mà họ đang chờ đợi thậm chí không đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuối cùng, lúc 18h, Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky bước vào với chiếc áo phông quân đội thường thấy. Ngay khi vừa xuất hiện, ông được chào đón như một ngôi sao.
Các phóng viên ảnh bấm máy liên hồi, trong khi quan khách rút điện thoại ra quay phim, chụp ảnh Tổng thống Ukraine bước đi giữa dàn vệ sĩ, tạo nên bầu không khí náo nhiệt vào cuối ngày thứ hai của Đối thoại Shangri-La.
Ngày hôm sau, ông đưa ra bài phát biểu cuối cùng của hội nghị, nhấn mạnh xung đột Nga - Ukraine là mối lo ngại với toàn thế giới. "Chúng tôi đang tham gia vào một cuộc xung đột tác động tới tất cả mọi người", ông nói.
Sự xuất hiện bất ngờ của Tổng thống Zelensky đánh dấu một xu hướng mới tại sự kiện. Đối thoại Shangri-La là hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á, nhưng kể từ năm 2022, nó mang đậm chất châu Âu hơn, khi các quan chức từ lục địa này nhấn mạnh xung đột Nga - Ukraine là một lời cảnh báo.
"Châu Âu đã thức tỉnh về thực tế rằng mặc dù có khoảng cách địa lý rất lớn giữa họ với eo biển Đài Loan, tác động tiềm tàng của một cuộc xung đột tại khu vực này đối với nền kinh tế châu Âu sẽ là rất lớn", Bonnie Glaser, chuyên gia tại Quỹ Marshall, Đức, bình luận, đề cập tới căng thẳng Trung Quốc vào đảo Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trước đó mô tả các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng "đồng nhất" về một số lý tưởng, như tôn trọng lẫn nhau và vấn đề chủ quyền. Các quan chức châu Âu đến Singapore chia sẻ những giá trị đó và ngày càng chú ý hơn đến khu vực. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thấy điểm chung trong mối lo ngại về an ninh.
Bản thân Bộ trưởng Austin cũng tìm cách nêu ra mối liên hệ này trong bài phát biểu của mình tại hội nghị.
Mỹ lâu nay coi Trung Quốc là thách thức hàng đầu và bài phát biểu của Austin tiếp tục nhấn mạnh quan điểm đó. Khi trả lời các câu hỏi sau bài phát biểu, Bộ trưởng Austin cũng đề cập tới lý do nhiều quan chức châu Âu, như Tổng thống Zelensky, có mặt tại sự kiện.
"Họ có mặt trong phòng không phải vì tôi đã mời họ", ông nói. "Họ đến vì quan tâm tới khu vực".
Các quốc gia như Hà Lan và Đức đã tăng cường triển khai chiến hạm tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với một tàu khu trục của Hà Lan đi qua eo biển Đài Loan ngay trước khi hội nghị bắt đầu. Anh hiện theo đuổi cam kết lâu dài hơn với khu vực như một phần của hiệp ước quốc phòng AUKUS.
Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ mua tàu ngầm hạt nhân lớp của Mỹ, sau đó chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh.
Việc Tổng thống Zelensky xuất hiện tại hội nghị và tiếp tục tới thăm Philippines sau khi sự kiện bế mạc giống như lời khẳng định cao nhất cho mục tiêu này của châu Âu, giới quan sát đánh giá.
Bộ trưởng Austin đã gặp ông và một nhóm quan chức quốc phòng Ukraine bên lề hội nghị. Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, họ đã thảo luận về hỗ trợ của Mỹ và cam kết đứng về phía Ukraine. Tổng thống Zelensky sau đó viết trên mạng xã hội X rằng đôi bên đã thảo luận về phòng không và việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, cùng các vấn đề khác.
Trong bối cảnh Ukraine đang bị lực lượng Nga áp đảo trên chiến trường, tranh thủ ủng hộ từ mọi nguồn có thể dường như là mục tiêu quan trọng nhất của Tổng thống Zelensky ở thời điểm hiện tại.
Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc là các quốc gia đã hỗ trợ Ukraine trong xung đột, thông qua viện trợ, cung cấp trang thiết bị phi sát thương cho Kiev, hay áp lệnh trừng phạt Nga. Nhiều nước trong khu vực thường liên hệ xung đột Ukraine với căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Quân đội Trung Quốc gần đây tổ chức đợt diễn tập bao quanh Đài Loan, với kịch bản "chiếm quyền lực" và kiểm soát lãnh thổ đối với hòn đảo.
Song không phải tất cả các nước trong khu vực đều đồng tình với mối liên hệ này.
"Đảo Đài Loan không phải Ukraine và Trung Quốc cũng không phải Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tuyên bố trong bài phát biểu ngay trước Tổng thống Zelensky.
Và trong khi nhiều diễn giả đề cập đến Ukraine, xung đột ở Gaza cũng bao trùm hội nghị. Tổng thống đắc cử Indonesia, quốc gia có đông dân theo đạo Hồi, cho biết nước ông sẵn sàng cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Gaza để duy trì lệnh ngừng bắn. Câu hỏi đầu tiên mà ông Zelensky nhận được sau bài phát biểu là về lập trường của Ukraine đối với Israel.
Dù vậy, ông vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng các diễn giả tại hội nghị nên quan tâm đến xung đột Nga - Ukraine.
Bài phát biểu của ông mô tả cuộc xung đột mang tính chất toàn cầu, nhắc tới những đối tác đang hỗ trợ Ukraine từ bên ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và việc Nga đang tìm cách tăng ảnh hưởng ở những nơi khác trên thế giới, như tại châu Phi.
"Chúng tôi cần hỗ trợ từ các nước châu Á", ông khẳng định.
Điều này không có nghĩa ông kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nước gửi vũ khí cho Ukraine. Trong phần hỏi đáp sau bài phát biểu, Tổng thống Zelensky đề cập đến "hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine" sẽ được tổ chức tại Thụy Sĩ vào cuối tháng 6 như một ví dụ về các cách các nước có thể góp phần giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp phi quân sự.
"Rõ ràng, Tổng thống Zelensky không nghĩ ủng hộ từ các nước với Ukraine là điều hiển nhiên", bình luận viên Noah Robertson từ trang tin Defense News nhận xét.
Theo bình luận viên Clement Tan từ Straits Times, sự xuất hiện bất ngờ của Tổng thống Zelensky tại diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á đã một lần nữa khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện lên rõ nét trong tâm trí tất cả mọi người tham dự sự kiện và đây chắc chắn là điều lãnh đạo Ukraine hướng đến khi tới khu vực.
"Ông ấy có lẽ cũng muốn chứng minh một cách mạnh mẽ rằng các vấn đề an ninh ở châu Âu và châu Á có mối liên hệ mật thiết như thế nào", Tan nói.
"Tôi nghĩ việc Tổng thống Zelensky có mặt ở đây là điều hết sức quan trọng", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Carsten Breuer cho hay. "Đây là diễn đàn để ông ấy thực sự kể cho mọi người biết tình hình đang căng thẳng như thế nào và cuộc xung đột này gây ra hậu quả gì đối với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, không chỉ ở khu vực đó, không chỉ ở Ukraine và châu Âu, mà còn trên toàn thế giới".
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, Straits Times, Defense News)