Theo báo cáo của Fairfield, đơn vị nghiên cứu thị trường tại Anh, thị trường robot logistics toàn cầu dự kiến đạt 12,7 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 23,7% trong giai đoạn 2021-2025.
Sự mở rộng về nhu cầu và số lượng của người tiêu dùng được coi là động lực chính của thị trường. Người tiêu dùng ngày càng yêu cầu sự thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng trong việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ. Để đảm bảo thực hiện đơn hàng hiệu quả, các nhà bán lẻ đang chuyển sang các giải pháp tự động hóa và robot để tiết kiệm thời gian đồng thời theo dõi đơn hàng trong thời gian thực. Điều này giúp tăng nhu cầu về robot logistics, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trên toàn cầu.
Ngoài ra, các động lực khác của thị trường đến từ tính ưu việt của việc sử dụng robot logistics như tăng hiệu quả, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian. Một số công ty đang sử dụng robot trong môi trường làm việc độc hại và nguy hiểm. Đồng thời, robot logistics cũng tự động hóa các quy trình lưu trữ và di chuyển hàng hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình vận chuyển, giảm các lỗi thủ công và đảm bảo an toàn cho lao động.
Cũng theo báo cáo của Fairfield, Bắc Mỹ là khu vực chiếm thị phần cao nhất trong thị trường robot logistics toàn cầu và dự kiến sẽ duy trì vị trí dẫn dầu trong giai đoạn dự báo. Tại Bắc Mỹ, các công ty logistics đang áp dụng mạnh mẽ công nghệ và robot vào tự động hóa quy trình hậu cần. Khi chi phí lao động leo thang, tiềm năng sử dụng robot để giảm chi phí thúc đẩy sự phát triển của thị trường robot logistics.
Ngoài khu vực Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng nhanh trong việc sử dụng robot logistics. Điều này được lý giải do sự mở rộng và phát triển của việc tự động hóa. Đặc biệt, Trung Quốc được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng khép cao nhất trong việc sử dụng robot trong logistics để gia tăng cạnh tranh.
Hồng Thảo (theo Global Trade)