Mới đây, Tỉnh ủy Bình Thuận đã đồng ý với đề xuất nâng cấp thị xã La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước thông tin mới về quy hoạch La Gi, giới đầu tư quan tâm đến cung đường ven biển mới cho rằng khu vực này có nhiều triển vọng về giá. Nguyễn Linh, một môi giới tại Bình Thuận cho rằng, tuy không thực sự tương đồng về lợi thế tự nhiên, song diễn biến thị trường bất động sản La Gi có thể diễn ra tương tự như kịch bản đã xảy ra tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hà Tiên (Kiên Giang) trước thời điểm lên thành phố.
Tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), năm 2015, giá một m2 đất thổ cư ở đường Nguyễn Du, bãi biển Sầm Sơn từng được chào bán với giá 10-13 triệu đồng mỗi m2, đã tăng lên mức 20-25 triệu năm 2017 vào thời điểm Sầm Sơn lên thành phố. Giá đất đường Hồ Xuân Hương thậm chí cán mốc giá 100 triệu đồng một m2. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, có những lô đất ven biển Sầm Sơn, mức giá tăng gấp 4-5 lần so với 5 năm trước.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, giá đất tại Hà Tiên đã tăng ở biên độ mạnh chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2018 do cú hích lên thành phố. Cuối năm 2017, giá đất nền tại phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên ở mức 5-7 triệu đồng mỗi m2, bước sang quý III năm 2018 đã đạt 7,5-12,5 triệu đồng.
Đánh giá thị trường địa ốc La Gi từ câu chuyện của các thành phố trên, Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải - Đại học Ngân Hàng TP HCM nhận định, bất động sản La Gi có nhiều dư địa để tăng giá.
Thứ nhất, hàng loạt siêu dự án được phát triển bởi các đại gia địa ốc sẽ đổ về đây, dẫn đến giá đất tăng với tốc độ phi mã. Khu vực nội đô cùng các cung đường ven biển tại La Gi sẽ là khu vực có tốc độ tăng giá lớn nhất.
Thứ hai, hạ tầng là động lực tăng giá bất động sản La Gi. Cùng lộ trình nâng tầm lên thành phố, La Gi còn có nhiều tiềm năng tăng giá nhờ sở hữu vị trí chiến lược và hạ tầng đồng bộ. Trước đó, hơn 2.000 tỷ đồng đã được UBND Bình Thuận phê duyệt hoàn thiện và chỉnh trang cơ sở hạ tầng cho La Gi. Tỉnh cũng mở rộng lộ giới quốc lộ 55, khởi công tuyến đường nối từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết qua Hàm Tân đến La Gi; hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh; xây dựng quảng trường tỉnh...
Trong đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được đánh giá là công trình trọng điểm, hứa hẹn thay đổi diện mạo kinh tế và du lịch La Gi.
Chuyên gia đánh giá, trong các khu vực của Bình Thuận có cao tốc đi qua, La Gi là địa phương hưởng lợi nhiều nhất nhờ sở hữu vị trí cửa ngõ của Bình Thuận - nơi đầu tiên cao tốc phải chạy qua trước khi tới Kê Gà, Mũi Né, Phan Thiết. Cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM về La Gi còn 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành về La Gi còn 1 giờ.
Tận dụng cơ hội từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bình Thuận cũng đang triển khai hai trục đường kết nối cao tốc dẫn xuống quốc lộ 1A ở khu vực huyện Hàm Tân. Theo đó, một trục sẽ nối cao tốc với ngã ba 46 trên quốc lộ 1A, từ đó đi thẳng đến thị xã La Gi theo quốc lộ 55. Song song với trục này, trục đường còn lại cũng nối cao tốc với điểm giao trên quốc lộ 1A, đi qua địa bàn các thị trấn, xã trên huyện Hàm Tân và kết nối vào quốc lộ 55 để đến La Gi. Cung đường này đã được Bình Thuận phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Ngoài cao tốc, sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Khi hai sân bay này hoàn thành, sẽ mang hàng triệu du khách miền Bắc và quốc tế đến La Gi, thay đổi diện mạo du lịch của thị xã.
"Hiện du lịch của Bình Thuận nói chung, La Gi nói riêng chưa thể cất cánh do cách trở về hạ tầng khiến du khách ở xa khó tiếp cận vùng biển nguyên sơ và đậm bản sắc này làm điểm đến. Nút thắt sẽ được tháo gỡ khi hàng loạt công trình hạ tầng được triển khai, tạo thành bệ phóng đưa La Gi lên thành phố, thu hút dòng tiền của các ông lớn địa ốc đổ về đây đầu tư", TS Minh Hải khẳng định.
Thu Hằng