The Hour Glass S&S, nhà phân phối thương hiệu đồng hồ Jaquet Droz tại Việt Nam cho biết vừa nhập về chiếc đồng hồ độc bản có mặt vẽ cảnh Chùa Cầu (Hội An) hôm 21/12. Chỉ sau 3 ngày, tức hôm thứ Sáu (24/12), sản phẩm đã có người mua. Theo yêu cầu giao dịch, thông tin về chủ nhân được bảo mật.
Chiếc đồng hồ có tên đầy đủ là Jaquet Droz Petite Heure Hoi An, có phần bộ vỏ được chế tác bằng vàng đỏ 18K, kích thước mặt 39 mm và dây đeo da cá sấu. Phần đáng chú ý nhất là mặt được chế tác bằng kỹ thuật vẽ tiểu họa trên nền tráng men theo phương pháp pháp lam Grand Feu.
Toàn bộ quá trình lên ý tưởng và thực hiện bởi một nghệ nhân gốc Việt, anh Lê Ngọc Thanh, Trưởng bộ phận trang trí tiểu họa của Jaquet Droz. Hình ảnh Chùa Cầu được chọn vì là một biểu tượng di sản của Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung. Địa danh này cũng được in trên những tờ tiền Việt Nam.
Chùa Cầu ở Hội An được xây dựng vào thế kỷ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản, gắn liền với truyền thuyết con quái vật tên Namazu. Theo đó, phần đầu của nó nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và đuôi nằm tại Nhật. Do vậy, mỗi lần quái vật cựa mình thường xảy ra lũ lụt, động đất. Ngôi chùa này được xây dựng lên với ý nghĩa như thanh kiếm chắn ngang lưng quái vật. Vì thế, nó sẽ không thể cựa mình gây náo loạn. Từ đó, ba quốc gia sẽ luôn yên bình, hưng thịnh.
Về mặt kỹ thuật chế tác, nhà sản xuất cho biết, một sắc của một màu nhất định trong tiểu họa có thể mất tới hơn một tiếng để chuẩn bị, hình thành và pha được. Anh Thanh làm mọi thứ bằng tay với sự hỗ trợ của kính hiển vi và bút vẽ. Mỗi chi tiết cũng cần một chiếc bút vẽ riêng. Mất vài tháng để làm ra mỗi chiếc bút.
Bức tiểu hoạ tráng men là tổng hoà của nhiều lớp màu. Mỗi màu lại là sự pha chế của các kim loại ô xi hoá khác nhau và nung ở những ngọn lửa nhất định. Do đó, trong quá trình chế tác, vẽ - nung là hai bước được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Không chia sẻ cụ thể cho tiểu họa Chùa Cầu nhưng nhà sản xuất cho biết thường một mặt đồng hồ pháp lam sẽ có thể cần đến 20 lần vẽ - nung lặp lại. Cuối cùng, tranh hoàn thiện sẽ được sấy và sơn bảo vệ để tồn tại được hàng trăm năm.
Thị trường đồng hồ xa xỉ ở Việt Nam nhận được khá nhiều quan tâm của Jaquet Droz. Theo đó, mẫu đồng hồ vẽ Chùa Cầu là sản phẩm thứ ba trong bộ sưu tập đồng hồ có mặt vẽ thắng cảnh của Việt Nam chỉ sản xuất duy nhất một năm một chiếc. Trước đó, năm 2019, họ ra mắt chiếc Petite Heure Minute Ha Long Bay lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long.
Đến năm 2020, một chiếc khác được sản xuất với phần mặt vẽ cảnh chợ nổi, một nét văn hoá sông nước của miền Tây Nam Bộ. Cả 3 đều có giá 888,8 triệu đồng và rất nhanh có chủ sau khi mở bán.
Ngoài tung ra các mẫu độc bản cho giới sưu tầm Việt hàng năm, các phiên bản quý hiếm hàng đầu của hãng như mẫu đồng hồ vườn chim (Tropical Bird Repeater), đồng hồ tổ chim (The Bird Repeater) và đồng hồ chim hót (The Charming Bird) có giá lần lượt 18, 13 và 11 tỷ đồng cũng đều từng đến Việt Nam giao lưu và phục vụ nhu cầu thưởng lãm của giới siêu giàu.
Dỹ Tùng