Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, anh Kiều Duy Thanh hút liên tục vài điếu thuốc cho tỉnh táo để vào tiếp tục thổi kèn đám ma. Mấy hôm nay nhiều việc, phường bát âm do anh làm trưởng đoàn đi liên tục mấy ngày đêm. Người xưa có câu "sống dầu đèn, chết kèn trống" nên trong đám tang không thể thiếu họ.
Các thành viên trong đoàn đều mang họ Kiều. Đây là dòng họ đông và có tiếng ở làng Đông Hạ, có lẽ cũng là dòng họ duy nhất trên dải đất hình chữ S có nghề phục vụ đám ma cha truyền con nối. Tổ tiên của họ đều là những người yêu văn nghệ, đàn giỏi, hát hay, từng lập gánh chèo đi hát khắp vùng.
Nguồn gốc của nghề khóc đám tang kiêm luôn kèn trống của họ Kiều bắt nguồn từ thời cụ nội anh Thanh. "Khi cụ mất, cả nhà đón mãi mới được ba ông già trong phường bát âm ở Chương Mỹ (Hà Nội) về. Chẳng hiểu tang gia bối rối làm gì sơ suất mà khi về họ trách móc cả nhà đối xử không ra gì. Sẵn có máu văn nghệ trong người, các cụ trong họ lập hẳn phường bát âm để phục vụ làng xã", anh Thanh cho hay.
Phường bát âm họ Kiều nổi tiếng khắp vùng, truyền đến anh Thanh là đời thứ tư. Thanh niên trong họ đều có năng khiếu đàn hát, từ nhỏ theo cha ông đi phục vụ đám tang. Khi còn là những đứa trẻ, họ đi múa sinh tiền, dẫn đầu đoàn rước đưa người quá cố về nơi an nghỉ. Lớn lên, họ thuộc làu những bài trống, đàn, ca, sáo, nhị... loại nào cũng biết chơi.
Anh Thanh bảo, đây là nghề bán sầu, đúng hơn là cái nghiệp gắn vào thân từ khi còn nhỏ. Năm lên 8 tuổi, cậu bé Thanh đã theo cha là ông Kiều Hào đi múa sinh tiền, diễn trò, diễn tích. Đến nay, anh theo nghề đã được 28 năm. Trước đây, anh từng được gọi vào đoàn chèo Hà Tây (cũ) nhưng không đi mà ở nhà nối nghiệp ông cha.
Tiếng là khóc đám ma nhưng phường bát âm họ Kiều không mặc vải sô, đeo khăn trắng, ngồi ôm quan tài người chết mà khóc như một số nơi. Họ chỉ chơi kèn, trống, sáo, nhị và khóc hộ con cháu người chết bằng tiếng hát ai oán, não nề.
Các thành viên trong đoàn thường diễn tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, Nhị thập tứ hiếu để kể công ơn người đã khuất, răn người sống phải giữ trọn đạo hiếu với mẹ cha. Mỗi đám tang là một phận người khác nhau, nên phải tùy hoàn cảnh, gia thế, công trạng của người khuất mà tiếng khóc, tiếng kèn trống cũng bi sầu khác nhau.
Gắn bó lâu năm, họ gặp biết bao chuyện buồn vui với nghề. Anh Thanh kể có người sắp qua đời, dặn con cháu phải đón được phường bát âm họ Kiều về mới yên tâm nhắm mắt. Có lần, đoàn đi phục vụ đám tang một gia đình nghèo khó ở Chương Mỹ hai ngày. Khi thanh toán, người nhà chạy vạy khắp nơi mới dành được 800.000 đồng. Anh Thanh quyết định không lấy tiền công, coi như làm phúc cho trọn đạo nghĩa tử là nghĩa tận.
Có tiếng lưu truyền nên họ không chỉ phục vụ quanh Hà Nội mà còn đi tận Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tiền công mỗi đám không dưới 4 triệu đồng, trừ chi phí đi lại, mỗi người được khoảng 300.000 đồng cho hai ngày phục vụ. Đến nay, có gần 30 người hoạt động thường xuyên nên họ tách làm hai đoàn. Một đoàn gồm các bậc cha chú trong họ, đoàn còn lại của anh Thanh quản lý toàn thanh niên trẻ. Nhiều lúc đông đám quá, làm không xuể thì phải gọi cả con rể, con gái đi phục vụ.
Bà Kiều Thị Khoan là người phụ nữ duy nhất trong họ theo nghiệp cha. Bà bảo trước mấy anh em cũng không được học hành đến nơi chốn, nhỏ xíu đã đi múa sinh tiền. Giờ bà có thể đánh trống, thổi kèn mà những thanh niên làng không thể làm được.
Những người trong phường bát âm muốn theo nghề phải đi diễn từ lúc 5-6 tuổi. Đầu tiên là múa sinh tiền, sau đó là đóng vai phụ trong các vở diễn đám ma. Thế nên, nhiều người không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Bản thân anh Thanh cũng học hết lớp 7 rồi nghỉ học vì theo phục vụ đám ma nhiều quá, học không vào. Anh bảo giờ gặp lại bạn bè thành đạt, nhiều khi cũng tủi thân nhưng rồi lại nghĩ xã hội phân công mỗi người mỗi việc, coi như mình cũng có nghiệp riêng.
Cậu con trai anh Thanh là Kiều Anh Tuấn (14 tuổi) theo cha đi múa sinh tiền được vài năm. Cậu bé vừa đi học, vừa đi làm kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ. "Trót theo cái nghề buồn nhất thế gian này rồi nên tôi cũng muốn giữ. Sau này nếu con cái học hành tốt thì vẫn để cho chúng học và chọn con đường khác. Còn nếu không thì vẫn tiếp tục theo nghề ông cha để lại", trưởng đoàn bát âm cho hay.
Nhiều đêm không trọn giấc ở nhà người chết, thường xuyên tiếp xúc với những bi thương, sầu não nên nhìn ai cũng già hơn tuổi. Anh Kiều Văn Bảy hơn 40 tuổi nhưng trông không kém ông già 60 là mấy. "Biết là những người qua đời chủ yếu bị ốm đau, bệnh tật, tiếp xúc nhiều cũng dễ bị lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không tránh được. Nghề này ăn vào máu rồi, muốn bỏ cũng không phải dễ", anh Bảy tâm sự.
Phương Hòa