Nghiên cứu mới công bố hôm 1/7 trên tạp chí Limnology and Oceanography kết luận dòng hải lưu khác thường nhiều khả năng cuốn cua cá ngừ khỏi môi trường sống tự nhiên ngoài khơi Baja California. Nghiên cứu bắt đầu khi trưởng nhóm Megan Cimino đạp xe qua đàn cua cá ngừ mắc cạn trên đường tới cơ quan ở Monterey năm 2018. Cimino, nhà hải dương học ở Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) và Đại học California, Santa Cruz, từng chứng kiến một vụ mắc cạn khác gần nơi cô lớn lên ở Nam California cách đây vài năm.
Cimino và cộng sự dành nhiều tháng thu thập dữ liệu về cua cá ngừ và phạm vi xuất hiện của chúng. Họ lục tìm những cuộc khảo sát nghiên cứu đại dương, dữ liệu video từ phương tiện điều khiển từ xa, chương trình khoa học đời sống, thậm chí mạng xã hội như Twitter. Việc tổng hợp nhiều loại dữ liệu khác nhau rất khó khăn, nhưng cuối cùng nhóm nghiên cứu có thể khái quát phạm vi sinh sống và mắc cạn của cua cá ngừ từ năm 1950 đến 2019.
So sánh dữ liệu với điều kiện đại dương như nhiệt độ và chuyển động của dòng hải lưu, các nhà khoa học nhận thấy sự xuất hiện của cua cá ngừ bên ngoài môi trường sống thông thường có mối tương quan với lượng nước biển chảy từ Baja California tới trung tâm California. Phát hiện chỉ ra dòng hải lưu mạnh là báo hiệu quan trọng về sự hiện diện của cua cá ngừ.
Để nghiên cứu dòng hải lưu, nhóm chuyên gia sử dụng mô hình đại dương trong khu vực của Hệ thống hải lưu California do Đại học California, Santa Cruz phát triển. Dựa vào đó, họ tạo ra "phụ lục nước nguồn phía nam" (SSWI), thể hiện bao nhiêu nước ngoài khơi vùng ven biển ở trung tâm California đến từ phía nam biên giới Mỹ - Mexico.
Cua cá ngừ thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng và đóng vai trò như nguồn thức ăn quan trọng cho nhiều loài khác. Chúng không phải loài duy nhất chịu tác động từ dòng hải lưu. Trong tình hình biến đổi khí hậu làm gia tăng biến động trong điều kiện đại dương, vị trí của các loài sẽ bắt đầu thay đổi. Việc tìm hiểu nơi phân bố của sinh vật sẽ giúp giới nghiên cứu quan sát và ước tính số lượng chính xác hơn.
An Khang (Theo Phys.org)