Nghiên cứu do nhóm khoa học Anh, Đức, Pháp và Italy sử dụng mô hình tính toán và thiết bị đo dòng chảy âm thanh Doppler (ADCP) gắn dưới đáy biển phát hiện dòng hải lưu biển sâu biến đổi mạnh hơn nhiều so với hiểu biết trước đây. Kết quả công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Tiến sĩ Mike Clare, nhà trầm tích học tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia, Anh đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Hệ thống dòng hải lưu vận hành khắp hành tinh phức tạp hơn nhiều so với mô hình sách giáo khoa".
Các nhà khoa học sử dụng cảm biến đo dòng chảy âm thanh Doppler (ADCP) gắn dưới đáy biển. Công ty dầu khí Eni của Italy đã triển khai 34 ADCP trên diện tích khoảng 2.500 km2 ở eo biển Mozambique. Công ty chia sẻ dữ liệu từ thiết bị đo tốc độ và hướng dòng chảy 10 phút một lần trong 4 năm.
Khi Lewis Bailey, nhà địa chất học tại Đại học Calgary, phân tích dữ liệu từ ADCP, kết quả khác với xu hướng dòng chảy hướng Bắc ổn định đến mức ông tự hỏi liệu mình có sai sót. Tuy nhiên thực tế cho thấy dòng chảy đáy biển thường tăng tốc, chậm lại và thậm chí đảo chiều. Bailey cho biết: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy dòng chảy biến đổi ngay cả giữa các điểm neo đậu khá gần nhau".
Clare nói: "Tất cả các nhà địa chất tham gia dự án đều kinh ngạc trước sự biến đổi này".
Các nhà nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự biến đổi cho thấy dòng chảy thay đổi theo mùa và chu kỳ thủy triều. ADCP và các mô hình đáy biển bị xói mòn cho thấy dòng chảy trên sườn biển mở thường hướng bắc. Nhưng trong các hẻm núi ngầm, dòng chảy thường đảo chiều, chảy lên hoặc xuống theo chiều dài của chúng. Các nhà khoa học suy đoán thủy triều và địa hình đáy biển là nguyên nhân chính tạo nên đặc điểm dòng chảy.
Trước đó một nghiên cứu của Trường Đại học Rutgers (Mỹ) công bố trên tạp chí Science cũng chỉ ra dòng chảy của biển đóng vai trò quan trọng tương đương trong việc điều chỉnh khí hậu của Trái Đất.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết phần làm mát chính của Trái Đất và băng lục địa nằm phía Bán Cầu Bắc 2,7 triệu năm trước đã xảy ra đồng thời với một sự chuyển hướng dòng chảy của đại dương - kéo nhiệt và khí CO2 trong biển Đại Tây Dương, di chuyển chúng xuyên dưới đáy biển sâu từ phía Bắc tới phía Nam cho tới khi nhiệt và khí carbonic được giải phóng ra ở biển Thái Bình Dương.
Các nhà khoa học tin rằng, hệ thống băng tải đại dương (các dòng hải lưu ở dưới sâu) đã thay đổi cùng thời điểm với một sự mở rộng thể tích các sông băng tại Bắc bán cầu cũng như hạ thấp đáng kể mực nước biển. Đó là băng Nam Cực, họ lập luận, đã cắt đứt trao đổi nhiệt tại mặt biển và đẩy nó xuống nước sâu. Họ tin rằng điều này đã gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nghiên cứu chứng minh rằng, các biến đổi về phân bố nhiệt giữa các lưu vực biển là rất quan trọng để hiểu về biến đổi khí hậu tương lai.
Minh Thư (Theo Livescience/Sciencedaily)