"Một Văn Cao số nhiều" - tên tọa đàm do Thư viện Ơ kìa tổ chức - nói đến sự đa tài của cố nghệ sĩ. Sinh thời, nhạc sĩ còn làm thơ, vẽ tranh - lĩnh vực nào cũng thể hiện sự tài hoa, tiên phong.
Văn Cao từng nổi bật với những bức tranh minh họa. Nhà sưu tầm Nguyễn Bình Phương - người có trong tay hàng trăm cuốn sách Văn Cao vẽ minh họa - khẳng định: "Chưa ai công nhận Văn Cao là họa sĩ nhưng ông là người xây dựng nên lĩnh vực minh họa sách ở Việt Nam".
Văn Cao bắt đầu vẽ minh họa trên báo vào năm 1946, với những tác phẩm tối giản, gửi gắm thông điệp nhân văn, niềm hy vọng trong thời kỳ chiến tranh. Sau này, ông minh họa cho gần 300 cuốn sách. Nguyễn Bình Phương cho biết Văn Cao sử dụng bút pháp hiện đại, phong cách tối giản và những mảng màu tươi sáng nhưng đạt hiệu quả cao. Bìa tập thơ Quê biển của Xuân Xanh là những vệt màu xanh trắng đan xen, không nói về biển nhưng người xem vẫn hình dung ra cảnh tượng những con sóng trắng nhấp nhô trên mặt nước xanh. Nhà văn Siêu Hải tâm đắc với bìa sách Sông Lô do Văn Cao thiết kế, chỉ với mấy con chữ cách điệu lại khiến ông thấy được họng pháo, ca nô và máu của sự hy sinh trong cuộc chiến. Nhiều mẫu chữ, kiểu chữ trên bìa sách do Văn Cao sáng tạo đến nay vẫn có nét hiện đại, được nhiều họa sĩ học tập.
![Bìa sách do Văn Cao vẽ. Ảnh: Thư viện Ơ kìa.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2019/11/15/anh-bia-sach-9694-1573806306.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zyWR7OMQWpAj7Vy_P5SZgA)
Bìa sách "Sông Lô" do Văn Cao vẽ. Ảnh: Thư viện Ơ kìa.
Nếu Bùi Xuân Phái ưu tiên những gam màu đỏ, hồng, Văn Cao lại chuộng màu xanh. Xanh lá là màu được ông sử dụng nhiều nhất trong các tác phẩm: Nhà tù xanh, Búp sen xanh, Hà Nội vào xuân, Người Hà Nội thanh lịch... Ngoài ra, những mảng miếng đen - trắng tạo sự đối lập cũng được Văn Cao sử dụng. Không ít người minh họa sau này đã học tập bút pháp của Văn Cao như Trần Ngọc Quý với tập thơ Lá.
Không chỉ minh họa sách, Văn Cao còn có nhiều tác phẩm hội họa tranh sơn dầu thể hiện bằng hình thức mới như Nửa đêm, Cô gái dậy thì, Sám hối... Đặc biệt, bức Cuộc khiêu vũ của những người tự tử từng gây xôn xao dư luận. "Văn Cao là người ám ảnh về hội họa", nhà phê bình Thái Bá Vân nhận định.
![Cố nhạc sĩ Văn Cao do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2019/11/15/van-cao-4024-1573783644.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=g98L5tGl-rLi-cjH09DfNA)
Cố nhạc sĩ Văn Cao do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp.
Trong phần thơ, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu cho biết Văn Cao là một trong những người tiên phong rũ bỏ vần. Thời kỳ kháng chiến, thơ ca của Việt Nam chuộng vần, nhịp giúp dễ đọc, dễ nhớ nhưng với những tác phẩm như Ngoại ô mùa đông năm 1946, Những người trên cửa biển - viết về những vấn đề nhỏ trong cuộc sống, nhạy cảm với thời cuộc, ông đã loại bỏ vần điệu. "Reo lên! A reo lên/ Xóm cùng khổ/Reo lên! Reo lên/Băng mình vào đạn lửa/ Cuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vỡ sóng lũ Hồng Hà" (trích Ngoại ô mùa đông năm 1946); "Nước biển đổ vào quanh Hải Phòng ngày bão/ Làng mạc bồng bềnh trời đất bềnh bồng/ Ở những ngọn tre xác xơ mốc lên chất muối/ Còn lại ít rơm khô của mái nhà trôi" (trích Những người trên cửa biển) là minh chứng cho những câu thơ dài ngắn khác nhau và không được gieo vần của Văn Cao.
"Điều này làm cho hơi thơ của ông trở nên gân guốc, trúc trắc, khó nhớ và khó thuộc", Trần Ngọc Hiếu nói. Về sau, Văn Cao đa phần sáng tác thơ không vần.
Trong Thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm, thơ Văn Cao thường ngắn, không vần, để nói và nhìn về bản thân ông. Bài Có lúc với "Có lúc một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ Có lúc ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/ Có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài" chính là lời tự thú. "Trong thơ của ông có sự im lặng, không giãi bày khiến người ta ám ảnh, không nói to được", Trần Ngọc Hiếu nói.
Trần Ngọc Hiếu cũng chia sẻ thơ của Văn Cao đầy tính nhạc. Điều này không nằm ở giai điệu mà ở tiết tấu với những khoảng lặng. Chính vì thế nhiều bài thơ của ông đã phổ nhạc như: Bài thơ bên suối thành bài Suối mơ, Thu cô liêu (1944) với bài hát cùng tên... Đôi khi ông xây dựng tiết tấu nhanh, mạnh như Chiếc xe pháo qua phường Dạ Lạc (1945).
Tại tọa đàm, khách mời cũng bàn về âm nhạc của Văn Cao. "Văn Cao là người chuyển hướng rất nhanh, thành công từ giai điệu trữ tình sang một thể loại mạnh mẽ, cô đọng", nhà văn Trương Quý nói. Năm 1944, Văn Cao xuất bản bài Thiên thai và năm 1945 là Trương Chi - những ca khúc có giai điệu trữ tình, lãng mạn. Đến năm 1945 ông đã sáng tác Tiến quân ca - dòng nhạc cách mạng với những giai điệu mạnh mẽ. Năm 1947, ông tiếp tục chuyển sang trường ca - thể loại mới trong âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ với Trường ca sông Lô. Những giai điệu hào hùng "Đây dòng Lô, đây dòng Lô/ Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: đây sóng căm hờn vút cao sóng lấp lánh vàng sao ngàn chiến sĩ sông Lô" mở đường cho nhiều tác phẩm sau này.
Tiếp nối chuỗi sự kiện mừng sinh nhật cố nhạc sĩ Văn Cao, đêm nhạc Suối mơ sẽ được tổ chức vào tối 15/11 tại quán Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội). Các nhạc phẩm nổi tiếng của ông như Suối mơ, Thiên Thai, Đàn chim Việt, Bến xuân... sẽ được các ca sĩ Bảo Ngọc, Hoàng Lân, Phạm Trí Trung thể hiện. Đêm nhạc còn có sự góp mặt của họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Thụy Kha, nhà văn Trương Quý.
Văn Cao (1923 - 1995) là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông là tác giả của ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam. Văn Cao ghi dấu ấn với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: Thiên thai, Suối mơ, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội... Năm 1996, ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Hiểu Nhân