Đại diện ban tổ chức cho biết, bên cạnh giải chính trị giá 3 triệu USD, chương trình trao ba giải đặc biệt (mỗi giải trị giá 500.000 USD) cho nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, nhà khoa học nữ và người làm nghiên cứu mới. Khoản ngân sách này có giúp các nhà nghiên cứu hoàn thành công việc, sớm đưa sáng kiến vào thực tế.
Ở góc nhìn rộng hơn, GS.TS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đề cao các hoạt động bên lề của chương trình. Tuần lễ khoa học với các buổi hội thảo thu hút chuyên gia quốc tế đến Việt Nam, giới thiệu về ngành khoa học trong nước.
Ông dẫn giải thêm, trong khoảng năm sáu năm qua, Vingroup đã đẩy mạnh nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Tập đoàn thành lập Viện nghiên cứu dữ liệu lớn (VinBigData), chia sẻ nguồn dữ liệu và tài nguyên; Viện nghiên cứu AI (VinAI) với chương trình ươm mầm tài năng trẻ AI. Ngoài ra, Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF với hơn 100 dự án, trên 1.000 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ, hỗ trợ hàng trăm chuyên gia và tổ chức hơn 130 hội thảo...
PGS.TS Nguyễn Trần Thuật, Phó giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định giải thưởng VinFuture có quy mô, chất lượng, giá trị và uy tín tương đương quốc tế.
PGS Thuật cũng nhắc tới việc Katalin Karikó và Drew Weissman đạt Nobel Y sinh năm nay, từng nhận giải VinFuture 2021.
"Tôi hy vọng hai câu chuyện về họ giúp giải thưởng lan tỏa hơn đến cộng đồng quốc tế", PGS Thuật nói. Ngoài ra, chương trình có ý nghĩa truyền cảm hứng, giúp chuyên gia trong nước thêm tự tin trong việc nghiên cứu.
Nhìn lại hai mùa giải, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, đánh giá cao ảnh hưởng của VinFuture khi hội đồng lựa chọn các công trình đều có ý nghĩa và thực tiễn cao. "Giải thưởng được trao tại Việt Nam và do người Việt khởi xướng, tài trợ nên sẽ giúp hình ảnh Việt Nam được thế giới biết đến", GS Long nói.
Ông cho rằng chương trình góp phần tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu có tính sáng tạo cao. Đây cũng là nền tảng để chuyên Việt kết nối với thế giới. GS Long nói "khâm phục" giải thưởng cho nghiên cứu phân lập gene lúa (Sub1A) để phát triển các giống lúa năng suất cao, chịu ngập vượt trội của GS Pamela C. Ronald (năm 2022). Theo chuyên gia, ở Việt Nam cũng đã tạo được giống lúa chịu úng nhưng nghiên cứu còn yếu, cần hợp tác chuyên giá nước ngoài.
GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long cho biết, ở mùa hai bà có tham dự hội thảo cùng các nhà nghiên cứu giống lúa. Bà đánh giá cao tổ chức Việt Nam khi sáng lập và tổ chức giải thưởng lớn cùng nhiều hoạt động kết nối giới khoa học. GS Lang mong sớm có công trình Việt được trao thưởng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chuyên gia cấp cao tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia nhận định giải thưởng có ý nghĩa quan trọng trong sơ đồ đổi mới sáng tạo. Chương trình không chỉ vinh danh những người đưa ra cách làm mới mà còn khích lệ cộng đồng đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này.
Bà Dung nhấn mạnh, đây là một trong những giải thưởng tại Việt Nam có giá trị mang tính quốc tế, kết nối chuyên gia toàn cầu. "Chúng ta có thể trao đổi với họ ở cự ly rất gần trong cả chuyên môn và hình ảnh. Điều rất tác động đến giới chuyên môn và cả hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam", bà nhận định.
Minh Huy