Theo ông Lưu Tiến Định, Giám đốc Sở Nội vụ, sẽ kiểm tra thái độ tiếp dân của cán bộ, công khai thủ tục hành chính với dân, giải quyết đúng hạn hay không. Trên cơ sở đó sẽ đoàn thanh tra sẽ có kết luận và báo cáo với lãnh đạo thành phố.
"Thành phố đã có kế hoạch tổng thể về kiểm tra cải cách hành chính bắt đầu từ tháng 7. Các thành viên trong đoàn sẽ đóng giả người dân xuống cơ sở. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì không chỉ người trực tiếp sai phạm mà lãnh đạo, cấp trên trực tiếp cũng phải chịu trách nhiệm", ông Định cho biết.
Trong buổi giao ban các quận, huyện quý hai năm 2008 vào sáng 25/6, ông Tô Văn Minh, chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, trong cải cách hành chính, thái độ của cán bộ với người dân là quan trọng nhất. "Chúng ta cần xử lý nghiêm những công chức có thái độ thiếu tôn trọng, sách nhiễu dân", ông Minh nói.
Người dân vẫn mệt mỏi với các thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Đồng quan điểm với chủ tịch huyện Đông Anh, ông Trần Đức Học, chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, ông vẫn thường xuyên nhận được đơn thư phàn nàn, tố cáo việc nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ tiếp dân. "Chúng ta thường bảo cải cách chậm là do năng lực còn hạn chế nhưng theo tôi 70-80% là do thái độ của cán bộ khi tiếp dân", ông Học đánh giá.
Theo ông Học, ở quận Đống Đa, tình trạng này chỉ được hạn chế khi năm 2007, quận giao cho phòng nội vụ và phòng tư pháp chấn chỉnh thái độ của các công chức ở bộ phận một cửa.
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội cũng cho rằng, mấu chốt của công tác cải cách hành chính nằm ở đội ngũ cán bộ. Công chức ở cơ quan công quyền gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân không phải làm chuyện hiếm. Thậm chí, tình trạng "trên bảo dưới tắc" đang cản trở nỗ lực đơn giản hóa khâu thủ tục, giấy tờ của thành phố đối với người dân.
Nguyễn Hưng