Ảnh minh họa: blogspot.com. |
Đồng euro yếu hơn là một lợi thế lớn với Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực sử dụng đồng euro và cũng là nước xuất khẩu lớn. Nếu như cách đây hai năm, một chiếc xe hơi trị giá 50.000 euro tại Đức được bán với giá 80.000 USD tại Mỹ thì giờ đây người ta chỉ phải bỏ ra khoảng 60.000 USD để mua nó.
“Sự suy yếu của đồng euro giúp khu vực xuất khẩu và toàn bộ nền kinh tế Đức tăng trưởng mạnh hơn. Xuất khẩu là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng đối với tổng sản phẩm quốc nội của Đức và kích thích sự phát triển của các khu vực khác”, Volker Treier, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, nhận định.
Sau khi tăng trưởng chậm lại vào năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Đức tăng thêm 10,7% trong tháng 3. Giới phân tích dự đoán kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm nay sẽ tăng 7,25% so với năm ngoái. Sau đó mức tăng sẽ là 6% vào năm sau.
Tất cả 16 nước sử dụng đồng euro cũng hưởng lợi thế giống như Đức, nhưng họ cũng phải cạnh tranh với những nước có đồng tiền giảm giá mạnh hơn. Đồng bảng Anh đã giảm giá ngoạn mục so với đồng USD. Nếu như vào tháng 11/2007 một bảng Anh đổi được 2,1161 USD thì vào tuần này nó chỉ đổi được 1,45 USD. Tính ra đồng bảng Anh mất gần 1/3 giá trị so với USD.
Anton Boerner, chủ tịch Liên đoàn Bán buôn và Ngoại thương Đức, vẫn tỏ ra thận trọng trước triển vọng của kinh tế châu Âu khi đồng euro suy yếu.
“Trong ngắn hạn đồng euro yếu có thể khiến dư luận bớt lo lắng vì những hàng hóa được sản xuất tại Đức sẽ có lợi thế về giá trên thị trường thế giới. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng Đức cũng là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất. Do hàng hóa được giao dịch bằng USD, người Đức sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua chúng”, Boerner giải thích với báo Sueddeutsche Zeitung của Đức.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại thì sự lao dốc của giá dầu khiến tác động trên giảm, bởi một euro mua được một lượng dầu thô tương đương hồi đầu năm.
Boerner và nhiều nhà phân tích khác cũng tỏ ra lo ngại rằng ngay cả khi các nhà xuất khẩu hưởng lợi từ đồng euro yếu hơn, những biến động lớn trong tỷ giá tiền tệ có thể tác động xấu tới những ngành kinh tế không có khả năng chống đỡ nguy cơ. Sự giảm giá của đồng euro cũng ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư nước ngoài tại Đức.
“Sự giảm giá liên tục của đồng euro và tình trạng bất ổn cao độ tại các thị trường chứng khoán cho thấy những vấn đề thuộc về cấu trúc kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các nước trong khu vực đồng euro thực hiện cũng có thể làm giảm đà tăng trưởng của Đức”, Alexander Koch, một chuyên gia của tổ chức UniCredit Research, nhận định.
Minh Việt (theo AP)