Theo Viện Vật lý địa cầu, động đất xảy ra lúc 8h05, độ sâu khoảng 16 km, cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0. Vị trí cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km. Cơ quan này đang theo dõi dư chấn sau động đất.
Nhà ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, bà Bùi Thị Hiên, 48 tuổi, đang giặt quần áo bất ngờ thấy rung lắc "từ đầu lẫn dưới chân". Lần đầu tiên gặp tình huống này, bà hoảng sợ chạy ra đường, gần một tiếng sau mới dám vào nhà.
Đi làm xa, nhận được tin nhắn xã Đồng Tâm xảy ra động đất, anh Nguyễn Sơn, kiểm tra camera an ninh nhà mình thấy rung chấn khoảng 2-3 giây. Con chó canh trang trại cảm nhận rõ rung lắc nên vùng dậy nghe ngóng. "Đồ đạc không bị hư hỏng, song người nhà hoảng hốt phải chạy ra ngoài", anh kể.
Người thân của anh ở xã Tuy Lai, cách Đồng Tâm 3 km, cảm nhận cơn động đất đến "nghiêng cả bàn uống nước".
Ngoài Mỹ Đức, người dân các huyện ở Hà Nội như Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín; huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình cảm nhận rõ rung lắc. Tại các quận xa khoảng 40-50 km như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm..., cư dân ở tòa nhà cao tầng thấy rung nhẹ.
Hiện các quận, huyện chưa ghi nhận thiệt hại.
Huyện Mỹ Đức từng ghi nhận động đất do nằm trên đứt gãy sông Hồng. Đới đứt gãy này dài khoảng 1.560 km, bắt đầu từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo đến vịnh Bắc Bộ. Kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu cho thấy Mỹ Đức cũng như vùng trũng Hà Nội có thể xảy ra động đất với độ lớn dưới 5,3.
Theo thang độ lớn mô men, động đất 2,5-5,4 người dân cảm nhận được và chỉ gây hư hại nhỏ. Độ lớn 5,5-6 gây thiệt hại cho các tòa nhà; 6,1-6,9 có thể gây thiệt hại đáng kể cho khu đông dân cư; từ 7 trở lên gây thiệt hại nghiêm trọng.