Ông Phạm Thế Truyền, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất, sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đưa ra nhận định trên trong cuộc họp ứng phó với động đất ở Kon Tum của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, chiều 24/8.
Theo ông Truyền, nhận định trên không dựa vào nghiên cứu cụ thể mà áp dụng kết quả nghiên cứu ở khu vực khác có tính chất tương tự. Thực tế, để trả lời câu hỏi có thể xảy ra động đất với cường độ lớn hơn 5,5 hay không cần nghiên cứu chi tiết trong khoảng 36 tháng.
Trước mắt trong tháng 9, Viện Vật lý địa cầu sẽ đưa ba trạm quan trắc động đất ở huyện Kon Plong vào hoạt động để cảnh báo sớm cho người dân.
Ông Lê Minh Long, Phó vụ trưởng Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, cho biết sau trận động đất 4,5 độ hồi tháng 4 ở Kon Plong, cơ quan này đã cử đoàn khảo sát hồ đập, công trình dân dụng, công nghiệp trên địa bàn. Kết quả cho thấy với mức độ động đất theo cảnh báo hiện tại thì các công trình kiên cố ở Kon Tum đủ khả năng chống chịu.
Với công trình xây tạm, mái ngói mái tôn, vật liệu nhỏ rất có thể rơi, nhưng không ảnh hưởng đến sinh mạng người dân. "Chúng tôi mong muốn tỉnh Kon Tum tiếp tục tuyên truyền để tránh hoang mang cho người dân", ông Long nói.
Sau cuộc họp này, Bộ Xây dựng sẽ chuyển hướng dẫn xây nhà thấp tầng cho huyện Kon Plong. Các địa bàn khác tính chất động đất tương tự cũng có thể áp dụng. Ngoài ra, trong tháng 9, Bộ sẽ ban hành quy định mới về các công trình, trong đó đã cập nhật nghiên cứu về động đất.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đánh giá các trận động đất ở huyện Kon Plong thời gian qua chưa nghiêm trọng. Nhận định ban đầu của đoàn công tác động đất kích thích là do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, để kết luận chính xác cần có công trình nghiên cứu chi tiết.
Các ngày 23-24/8, huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất từ 2,5 đến 4,7 độ. Trận 4,7 độ đã gây rung chấn ở huyện Kon Plong, Quảng Nam và Đà Nẵng. Chính quyền Kon Tum cho biết động đất không gây thiệt hại về người và tài sản, tuy nhiên tâm lý người dân đang hoang mang.