Trận động đất mạnh 6,3 độ xảy ra ở tỉnh Hatay phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, vào tối ngày 20/2, khiến ít nhất 6 người tử vong và gây thương tích cho hàng trăm người. Dư chấn thường xuất hiện sau trận động đất lớn. Dư chấn thường được ghi nhận ở gần trận động đất ban đầu, là kết quả do đứt gãy tự điều chỉnh lại sau khi trượt đột ngột. "Đây là hoạt động không thể tránh khỏi. Dư chấn này lớn khác thường, nhưng không hiếm gặp", David Rothery, giáo sư Địa khoa học hành tinh ở Đại học Open, cho biết.
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ban đầu ghi nhận dư chấn ở mức 6,4 độ nhưng sau đó hạ thấp con số. Đó là rung động lớn nhất trong số 90 dư chấn xảy ra hôm 20/2. Dư chấn lớn thứ hai mạnh 5,8 độ. Các dư chấn xuất hiện liên tục trong vòng vài tuần sau trận động đất đầu tiên.
Trận động đất mạnh 7,8 độ tàn phá thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2, có thể cảm nhận bởi người dân sống ở khu vực rộng lớn, bao gồm các nước láng giềng như Syria, Israel và Lebanon. Tỷ lệ tử vong tiếp tục tăng lên trong nhiều ngày sau đó và lực lượng cứu hộ đã kéo ra nhiều người từ đống đổ nát. Tính đến nay, số lượng người tử vong đã vượt quá 46.000.
"Sau động đất độ 6 hôm 20/2, tôi dự đoán dư chấn độ 5 và 4 sẽ xảy ra trong vài ngày tới và hy vọng chúng sẽ giảm đi nhanh chóng", Rothery nói. Dư chấn độ 5 hoặc cao hơn khá lớn, có thể phá hủy nhà cửa và đe dọa sinh mạng con người.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước có hoạt động địa chấn mạnh nhất trên thế giới, nằm giữa hai mảng kiến tạo lớn. Loạt trận động đất gần đây do đứt gãy Đông Anatolia gây ra. Đường đứt gãy trải dài dọc theo vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ từ nơi giao nhau với đứt gãy Bắc Anatolia lớn hơn kéo dài về phương bắc. Đứt gãy Đông Anatolia mới chỉ gây ra vài trận động đất trước đây, trong đó đáng chú ý nhất là động đất hôm 24/1/2020 ở Elazığ, mạnh 6,7 độ. Trận động đất này giết chết 41 người và làm bị thương hơn 1.600 người.
Dù động đất ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ không phổ biến, các nhà khoa học cho rằng trận động đất 7,8 độ có thể tích tụ suốt hàng nghìn năm. Những trận động đất trước đó ở khu vực Đông Anatolia vào các năm 1513, 1872 và 1893 có thể tích tụ áp suất trên đường đứt gãy suốt hàng năm trời. Một nghiên cứu công bố năm 2013 trên tạp chí Geological Society London Special Publications mô tả các đoạn ở đường đứt gãy bị nứt vỡ trong 3 trận động đất trước đó. Sự nứt vỡ xảy ra khi động đất mạnh dịch chuyển đường đứt gãy ở độ sâu lớn trong lòng đất, khiến nó vỡ tới mặt đất. Nếu kết quả nghiên cứu đúng, trận động đất 7,8 độ gần đây bao gồm tất cả các đoạn của đường đứt gãy bị nứt vỡ vào các năm 1513, 1872, và 1893.
An Khang (Theo Newsweek)