Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Geoscience kết luận tác động từ trận động đất làm mảng kiến tạo Cocos bị tách ra trong vài giây và giải phóng năng lượng cực đại, Fox News hôm qua đưa tin. "Chúng tôi nhận thấy đứt gẫy tái kích hoạt cơ cấu đứt gãy cong và lan sâu xuống bên dưới vùng chuyển tiếp giòn - dẻo của mảng Cocos, bao gồm những khu vực có nhiệt độ dự kiến trên 1.000 °C", nhóm tác giả nghiên cứu cho biết.
Trưởng nhóm nghiên cứu Diego Melgar, nhà khoa học Trái Đất ở Đại học Oregon, cho biết ông và đồng nghiệp vẫn chưa tìm ra cách lý giải tại sao quá trình này xảy ra. "Chúng tôi chưa thể giải thích nguyên nhân của quá trình. Chúng tôi chỉ có thể khẳng định nó trái với các mô hình trước đây và cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ", Melgar chia sẻ.
Động đất lớn và mạnh như vậy từng xảy ra trong quá khứ. Năm 1933, trận động đất tương tự ở Sanriku, Nhật Bản, gây ra sóng thần cao 29 mét, giết chết 1.522 người và phá hủy hơn 7.000 ngôi nhà. Một trận động đất khác xảy ra năm 1939 bên dưới thị trấn Chillán của Chile, khiến ít nhất 30.000 người thiệt mạng. Do xảy ra gần biển, mức độ thiệt hại do các trận động đất càng lớn hơn do kèm theo nguy cơ sóng thần.
Trận động đất 8,2 độ ở Tehuantepec, Mexico năm ngoái làm nứt vỡ Cocos, mảng kiến tạo tương đối trẻ với niên đại 25 triệu năm và sinh ra sóng thần cao hai mét. "Mảng kiếng tạo đang bị hút chìm này vẫn còn rất trẻ và ấm, xét về mặt địa chất. Đáng lẽ nó không thể vỡ", Melgar nói. Để so sánh, đới hút chìm ở Nhật Bản có niên đại lên tới 130 triệu năm.
Mảng kiến tạo thường xuyên di chuyển quanh bề mặt Trái Đất và đâm vào nhau, hình thành những ngọn núi mới hoặc trượt xuống dưới nhau, tạo nên đới hút chìm. Niên đại và nhiệt độ của đới hút chìm rất đa dạng, và nhiệt độ trở nên thấp hơn khi chúng di chuyển hướng ra ngoài. Những trận động đất liên quan tới ứng suất chủ yếu là kết quả từ các mảng kiến tạo lâu đời với nhiệt độ mát hơn (khoảng 650 độ C). Điều này khiến tác động từ trận động đất ở Tehuantepec trở nên khó hiểu.
Nhóm của Melgar nêu ra một số giả thuyết. Họ cho rằng nước biển xâm nhập vào mảng kiến tạo Cocos có thể thúc đẩy quá trình giảm nhiệt, làm nó dễ nứt gãy hơn trước các trận động đất thường gặp ở nơi lạnh và lâu đời hơn. Nếu đúng như vậy, khu vực như miền nam Guatemala và bờ Tây nước Mỹ rất dễ chịu ảnh hưởng của động đất ở vùng chịu nén.