Các nhà khoa học vừa tìm ra bằng chứng về một trận động đất lớn năm 1945 ở phía bắc biển Arab, phát thải hơn 7 triệu m3 khí mê tan (CH4) vào bầu khí quyển. Phát hiện này cho thấy một nguồn tự nhiên của khí nhà kính không được xem xét trước đây. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Geoscience, News đưa tin.
Tuy có ít trong khí quyển, nhưng CH4 là loại khí gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 20 lần so với CO2. Số lượng lớn CH4 đang lưu giữ trong cấu trúc băng hydrat trên các tầng của thềm lục địa xung quanh trái đất.
Ước tính có khoảng 1.000 đến 5.000 giga tấn cacbon bị lưu giữ trong cấu trúc băng Metan hydrat, nhiều hơn tổng số lượng khí thải hàng năm bằng cách đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.
Sau khi phân tích mẫu trầm tích lấy từ phía bắc biển Arab năm 2007, nhóm khoa học thấy dấu hiệu hóa học của một vụ giải phóng khí CH4 quy mô lớn, các tài liệu lịch sử ghi chép một trận động đất cường độ 8,1 độ richter xảy ra gần đó trong năm 1945.
Tiến sĩ David Fischer từ Đại học Bremen, Đức cho biết: "Căn cứ vào một số chỉ tiêu, chúng tôi thấy trận động đất khiến các lớp trầm tích nứt vỡ, giải phóng khí bị mắc kẹt bên dưới".
Hiện metan hydrat được đề xuất như một nguồn năng lượng đầy hứa hẹn, nhưng khai thác chúng rất tốn kém và nguy hiểm. Chúng đang ổn định dưới đáy đại dương và sẽ được giải phóng nếu có động đất, sóng thần.
Lê Hùng