Tâm chấn động đất nằm ở khu vực biên giới thuộc các xã Thanh Chăn, Thanh Hưng, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15 km về phía tây tây nam. Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), trận động đất có độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Anh Trần Văn Sơn, tổ dân phố 12, phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ đang ngủ trưa thì thấy đồ đạc trong nhà rung lên, một số cốc chén bị rơi vỡ. "Thấy hiện tượng lạ, tôi liền bật dậy và chạy ra khỏi nhà để quan sát xem chuyện gì xảy ra", anh Sơn nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết, người dân trên địa bàn xã đều cảm nhận được sự rung lắc mạnh của trận động đất. Địa phương chưa xác định được thiệt hại về người và tài sản. "Xã đã cử cán bộ xuống các bản kiểm tra tình hình và sẽ khắc phục hậu quả nhanh nhất giúp người dân ổn định sản xuất nếu có hậu quả xảy ra", ông Biến nói.
Đây là trận động đất thứ 4 và cũng là lần có cường độ mạnh nhất xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ đầu năm 2014 đến nay.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm quan sát địa chất thành phố Điện Biên Phủ (thuộc Viện Vật lý địa cầu), trận động đất xảy ra có tâm chấn nằm trên vệt đứt gãy Mường Lay - Điện Biên với cường độ rung động nằm ở cấp 4 (theo thang MSK 64), thời gian dư chấn kéo dài từ 3 đến 5 giây.
"Với cường độ và thời gian dư chấn không dài nên khả năng gây ảnh hưởng, thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, giao thông, các công trình thủy điện trên địa bàn là khá thấp", ông Sơn nhận định.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Điên Biên là một trong 7 vùng trọng điểm có nguy cơ phát sinh động đất tại khu vực Tây Bắc. Sáu điểm còn lại là thành phố Sơn La, thị xã Lai Châu, thị trấn Mường La, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Tam Đường.
Vũ Lợi