![]() |
Cảnh sát giao thông dừng phương tiện chở gia cầm để xử lý. |
Tại Trạm Kiểm dịch động vật huyện Bình Chánh, cửa ngõ phía Tây của thành phố, Phó trạm Phạm Ngọc Lanh mắt thâm quầng nói: "Từ khi xảy ra dịch đến giờ, anh em thay nhau túc trực ở đây. Ban ngày thì 3 người còn đêm phải 6 người mới xuể vì chủ hàng thường chuyển gà vào đêm".
Những ngày trước, trạm kiểm tra sơ bộ các xe chở gia súc, gia cầm. Nếu thấy dấu hiệu bệnh dịch thì lập biên bản tạm giữ để xử lý. Nếu có giấy chứng nhận kiểm dịch thì phun thuốc khử trùng rồi cho xe đi. Nhưng từ 0h ngày 15/1, tất cả gia cầm đi qua trạm đều bị giữ lại để tiêu hủy.
Anh Quang, quê ở Trà Vinh, than thở: "Tôi là công nhân, sát Tết được nghỉ nên về quê mua vịt đem xuống Bình Dương. Mấy chuyến vừa rồi không sao, đến chuyến này thì bị bắt 100 con. Tôi có biết gì về lệnh cấm đâu. Phen này mất trắng mấy triệu rồi". Vừa dứt lời với phóng viên VnExpress, anh Quang quay sang năn nỉ cán bộ trạm để xin lại bầy vịt và hứa chở tất cả về nhà.
Không riêng gì anh Quang, một chiếc xe của quân đội cũng bị tịch thu hàng chục con gà, vịt dù được giải thích là đem về đơn vị để liên hoan. Một xe khác chở vịt giống cũng bị giữ lại để tiêu hủy mặc dù đã có giấy chứng nhận kiểm dịch.
![]() |
Tạm giữ vịt đang vận chuyển vào thành phố. |
Công an TP HCM cho biết đã lệnh cho lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ cho cán bộ kiểm dịch, kiểm soát mọi ngả đường vào thành phố. Lực lượng liên ngành đã phong tỏa QL 13, đường đi Lái Thiêu, không để gia cầm từ tỉnh Bình Dương lọt lưới. QL 1, QL51 từ tỉnh Đồng Nai xuống cũng bị kiểm tra gắt gao. Một đại úy cảnh sát giao thông ở QL 13 cho biết: "Xe chuyên chở gia cầm trên tuyến đường này chúng tôi đều biết nên việc phát hiện không có gì khó khăn. Việc cấm toàn bộ dễ hơn nhiều so với cách kiểm tra các trường hợp đã được và chưa được kiểm dịch trước đây".
Gia cầm bị tịch thu hiện đều phải thiêu hủy tập trung tại lò thiêu Bình Hưng Hòa. Các chủ hàng cùng nhân viên kiểm dịch được trang bị khẩu trang và găng tay cao su đếm số lượng vật nuôi rồi ký biên bản. Tuy nhiên, một cán bộ kiểm dịch nói: "Áo chúng tôi mặc đều ngắn tay... Có thêm đôi găng hay khẩu trang cũng chẳng ăn thua gì".
Ông Hai Vũ, một người dân sống ở gần trạm kiểm dịch Bình Chánh, cho biết: "Tội nghiệp mấy anh em, mấy đêm thức trắng. Vậy còn bị dân hăm he hành hung đòi lại gà, mấy lần phải nhờ Cảnh sát 113 can thiệp mới yên ổn".
Lê Cường