Thứ hai, 27/1/2025
Chủ nhật, 26/1/2025, 01:00 (GMT+7)

Động chứa hài cốt người tiền sử 7.500 tuổi

Ninh BìnhĐộng Người xưa ở huyện Nho Quan hé lộ bí mật về nền văn minh cổ đại qua việc phát hiện ba ngôi mộ chứa hài cốt trong tư thế nằm co, niên đại khoảng 7.500 năm.

Động Người xưa là di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử nằm lưng chừng ngọn núi đá vôi trong khu rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan. Động còn được người dân bản địa gọi là hang Đắng vì có nhiều loài dơi sinh sống (đắng theo tiếng Mường nghĩa là dơi).

Cửa động Người xưa quay về hướng Tây Nam, rộng khoảng 10 m, cao hơn 20 m, nằm nép dưới những tán cây rừng cổ thụ âm u.

Để đến động, người dân phải đi qua con đường nhựa khoảng 4 km từ bìa rừng, tiếp tục đi bộ trên một cây cầu bêtông dài hơn 100 m vắt qua dòng suối chạy dưới chân hẻm núi. Đi thêm chặng đường dốc khoảng 300 m với gập ghềnh đá tai mèo nhọn hoắt mới đến được cửa động.

Ông Phạm Phú Cường, cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết đây là một trong số hang động khô mang đặc trưng của loại hình núi đá vôi. Động này khá thoáng vì có cửa thông lên đỉnh núi khiến gió được hút vào trong. Đây là lý do người tiền sử chọn hang động này làm nơi cư ngụ suốt hàng nghìn năm trong quá trình tiến hóa, trước khi di cư xuống đồng bằng châu thổ các con sông sau này.

Động chia làm ba ngăn. Ngăn ngoài cùng rộng, đón nhiều ánh sáng nhất và là vị trí phát hiện dấu tích sinh tồn của người tiền sử.

Vào năm 1966, Viện khảo cổ Việt Nam được sự giúp đỡ của chuyên gia Đức, phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương khai quật hang động này. Sau nhiều tháng, các nhà khảo cổ phát hiện ít nhất ba ngôi mộ cổ với các bộ xương người đã hóa thạch còn khá nguyên vẹn. Bằng phương pháp carbon phóng xạ 14, giới nghiên cứu xác định những bộ xương này tồn tại cách ngày nay khoảng 7.500 năm (cộng trừ thêm 100 năm).

Một bộ hài cốt hiện được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Cúc Phương, hai bộ còn lại lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Việt Nam.

Cả ba thi hài lúc được tìm thấy đều được chôn trong tư thế nằm co ở độ sâu 40 cm đến 1,4 m, xung quanh kè đá hộc, đáy lót đá dăm và rắc thổ hoàng.

Theo các nhà khoa học, những ngôi mộ trong động Người xưa là cấu trúc mộ cổ lần đầu tiên phát hiện trong các di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình. "Các nhà khảo cổ đánh giá thi thể bị trói nằm co tại đây chính là tục trói người chết trước khi đem chôn vì tâm lý sợ hãi con ma trở về làm hại người sống. Đây chính là ý niệm sơ khai về tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thủy", ông Cường nói.

Sau quá trình khai quật, số mộ táng cổ đã được lấp lại, quây đá xung quanh để người dân có thể thắp hương khi tham quan, hài cốt hóa thạch đã di chuyển ra ngoài bảo quản, phục vụ tham quan, nghiên cứu.

Quá trình khai quật động Người xưa, các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều loại công cụ lao động của người tiền sử chế tác ra như rìu đá, dao đá, mũi nhọn xương, xương thú... cho thấy người nguyên thủy sinh sống ở đây trong thời gian rất dài. Có lẽ người xưa đã có ý niệm về thế giới bên kia, họ đã chôn theo người chết một số công cụ sinh hoạt và đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể.

Vỏ các loài nhuyễn thể hóa thạch, nhiều nhất là ốc đá chất đống dày hàng mét, cả trong và ngoài cửa động Người xưa. Đây chính là loại thức ăn chủ yếu của tổ tiên loài người thuở xa xưa.

Hai ngăn còn lại của động Người xưa hẹp, tối và ẩm thấp hơn ngăn chính bên ngoài, không có dấu tích của người xưa nhưng có rất nhiều dơi sinh sống. Theo thống kê của Vườn quốc gia Cúc Phương, ở đây có đến 19 loài dơi, được coi là hang động có số loài dơi nhiều nhất thế giới.

Ngoài ra, động Người xưa cũng có hệ thống nhũ đá rất đẹp, khi gõ vào nghe âm vang như tiếng cồng chiêng.

Trong lòng động Người xưa còn có dấu tích chiếc thang sắt bắc lên để khám phá đỉnh động. Cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương cho hay đây là con đường được làm vào khoảng năm 1968 để đón Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kiến về thăm, nhưng sau đó vì sức khỏe yếu nên Người không thể thực hiện. Cầu thang hiện hoen gỉ, không thể sử dụng.

Hàng ngày động Người xưa thu hút rất đông du khách đến tham quan. "Cảnh sắc núi rừng, hang động và lịch sử nơi đây rất thú vị khiến chúng tôi tò mò, thích thú", anh Nir, 23 tuổi, quốc tịch Israel (giữa) nói khi cùng bạn gái Jordan khám phá rừng Cúc Phương dịp đầu năm.

Vườn quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng nằm trên ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam được công nhận năm 1962.

Cúc Phương rộng hơn 22.200 ha, có hệ động thực vật phong phú, mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây.

Vườn quốc gia Cúc Phương ngoài địa điểm khảo cổ, nghiên cứu khoa học còn là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Cúc Phương từng được World Travel Awards vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong 6 năm liên tiếp từ 2019 đến 2024.

Động Người Xưa
 
 

Động Người xưa trong lòng núi rừng Cúc Phương. Video: Lê Hoàng

Lê Hoàng