Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 13 về phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá ĐBSCL, vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng; vùng đất mà sau nhiều năm "ngủ yên", đã được "đánh thức" vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng mới "thức dậy" mà chưa vươn lên mạnh mẽ. Người dân nơi đây phần lớn chỉ đủ ăn chứ chưa khá giả. Mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước.
"Vùng đất màu mỡ, trù phú xưa kia đang bị khát và khô hạn do thiếu nước. Độ phì nhiêu của đất bị suy giảm do thiếu phù sa bồi đắp. Những con người sinh ra, lớn lên trên vùng sông nước miền Tây giờ phải tiết kiệm, có lúc phải chia sẻ từng xô, từng thùng nước ngọt", Tổng bí thư nói, nhấn mạnh việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện tốt nghị quyết sẽ góp phần để ĐBSCL "đứng dậy làm chủ và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước".
![Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/22/b1-16506027562681995893499-9302-1650623092.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lwgk2DxqAC5Ho0GwSmaYgA)
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc
Để tạo chuyển biến có tính đột phá, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng của vùng ĐBSCL, ngày 2/4, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Văn bản này đặt vấn đề phát triển vùng phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế.
Nghị quyết 13 cũng đặt ra mục tiêu hoàn toàn mới, đó là phấn đấu đến năm 2030 ĐBSCL sẽ là vùng sinh thái, văn minh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch.
Năm 2045, ĐBSCL có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân dân có mức sống cao.
Để thực hiện nghị quyết, Tổng bí thư cho rằng ĐBSCL phải thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP HCM và Đông Nam Bộ; mở rộng kết nối với các nước trong ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Me Kong. Các tỉnh phải đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; công nghiệp năng lượng là đột phá; dịch vụ là bệ đỡ.
Tổng bí thư yêu cầu các cơ quan ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng; tham gia có hiệu quả các hoạt động hợp tác với các nước thuộc tiểu vùng sông Me Kong, nhất là trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước.
Chính phủ và các cơ quan Trung ương tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương ban hành và triển khai chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
ĐBSCL có tổng diện tích 40.000 km2, chiếm 13% cả nước; trong đó có 1,5 triệu ha đất trồng lúa màu mỡ; dân số 17,5 triệu, chiếm 18% cả nước. Là vùng cực Nam đất nước, ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng khi nằm liền kề TP HCM và vùng Đông Nam Bộ; phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông...
Nơi đây có các quần đảo Thổ Chu, Nam Du và đảo Phú Quốc là những chuỗi đảo quan trọng kiểm soát tuyến đường biển Thái Bình Dương qua Biển Đông nối với Ấn Độ Dương.
ĐBSCL cũng là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, trái cây lớn nhất nước. Vùng đóng góp một nửa sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 70% các loại trái cây của cả nước.