Tại một hội nghị chiều 21/3, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nhận định từ nay đến hết mùa mặn 2024, Đồng bằng sông Cửu Long còn chịu ảnh hưởng của 4 đợt mặn vào các ngày: 23-28/3, 8-14/4, 23-28/4 và 6-12/5.
Trong đó đợt xâm nhập mặn cao nhất sẽ diễn vào ngày 8-14/4, nồng độ mặn 4 phần nghìn lấn sâu cửa sông Vàm Cỏ 80-95 km, sông Cửu Long 50-65 km, sông Cái Lớn 45-55 km. Nước sông nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm nghìn hộ dân.
Do tác động của El Nino và biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua mùa khô khốc liệt, từ nửa cuối tháng 12/2023 đến nay gần như không mưa. Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết tổng lượng ở tất cả trạm đo đều thấp hơn trung bình nhiều năm.
Từ nửa cuối tháng 11/2023, mặn bắt đầu xâm nhập vào các sông. Đợt sâu nhất là ngày 8-13/3 với ranh mặn 4 phần nghìn vào sâu đất liền 40-66 km. Mức độ xâm nhập mặn ở Bến Tre, Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang, Cà Mau xấp xỉ năm 2016 - năm hạn mặn lịch sử, 100 năm mới có một lần.
Tỉnh Bến Tre đã đề xuất dẫn nước từ sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai cấp cho các tỉnh miền Tây để khắc phục tình trạng thiếu nước mùa hạn mặn. Tỉnh Cà Mau đề xuất dẫn nước ngọt từ sông Hậu về thông qua hệ thống thủy lợi để hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước.
Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trên 13 tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Năm 2020, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó.