Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 3/4 đến Brussels, Bỉ, dự hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên NATO với thông điệp trấn an và cam kết rằng Mỹ không rời khỏi liên minh, sẽ sát cánh cùng đồng minh gia tăng chi tiêu quốc phòng.
"Mỹ đang tích cực tham gia NATO như xưa nay. Tổng thống Donald Trump khẳng định ông ủng hộ NATO. Chúng tôi sẽ ở lại NATO", ông Rubio phát biểu trước báo giới, đứng cạnh Tổng thư ký NATO Mark Rutte, trước phiên khai mạc hội nghị kéo dài hai ngày.
Tuy nhiên, nỗ lực trấn an đồng minh của ông Rubio đã bị phủ bóng bởi đòn thuế đối ứng của ông Trump, áp dụng với hầu hết đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có các nước thành viên Liên minh châu ÂU (EU) lẫn NATO.
Đây là một trong hàng loạt chướng ngại từ các quyết sách trong gần ba tháng qua của chính quyền Trump với nỗ lực "chìa cành ô liu" của Ngoại trưởng Rubio tới châu Âu.
Từ khi nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Trump đã nhiều lần ám chỉ Mỹ có thể không bảo vệ những đồng minh NATO không đáp ứng mức chi tiêu 2% cho quốc phòng, đi ngược lại nguyên tắc phòng thủ tập thể cốt lõi của liên minh.
Tổng thống Mỹ còn nhiều lần tỏ ý định sáp nhập lãnh thổ của đồng minh NATO, từ hòn đảo tự trị Greenland thuộc Đan Mạch đến thông điệp Canada nên trở thành một bang thuộc Mỹ. Washington cũng khởi động đàm phán với Moskva về kết thúc chiến tranh Ukraine, nhưng không tham vấn những thành viên còn lại trong NATO dù các nước trong liên minh cũng viện trợ đáng kể cho Kiev.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (giữa) tại cuộc họp ngoại trưởng các nước NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 3/4. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nêu lo ngại với người đồng cấp Mỹ rằng các lệnh áp thuế mới của chính quyền Trump có thể đang vi phạm Điều 2 trong Hiến chương NATO. Điều khoản này cấm các đồng minh gây áp lực kinh tế với nhau, yêu cầu mọi quốc gia thành viên NATO "loại bỏ những điểm bất nhất trong chính sách kinh tế quốc tế và khuyến khích hợp tác kinh tế nội khối".
Sắc lệnh mới của Tổng thống Trump đề ra mức thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Na Uy. Trong khi đó, hàng hóa từ EU, nơi có 23 trong số 31 thành viên NATO, chịu mức thuế 20%. Canada không nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng nhưng cũng đang chịu các lệnh áp thuế khác từ Mỹ, liên quan bất đồng về chính sách biên giới, chống ma túy và nhập cư.
"Chúng tôi muốn gửi thông điệp đến Mỹ rằng các bên rất khó tập trung thảo luận về NATO trong bối cảnh chiến tranh thương mại", Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói.
Ông Rubio từ chối thảo luận về chính sách thương mại tại hội nghị, cũng không đi sâu vào vấn đề Greenland. Trong cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, ông Rubio không đề cập gì tới Greenland, còn thông cáo sau đó từ Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nói rằng hai bên thảo luận về tăng chi tiêu quốc phòng và những mối lo ngại an ninh chung.
Thông điệp chung từ ông Rubio gửi các đồng minh là họ đang hiểu lầm Washington, rằng chính quyền Trump vẫn xem NATO là trọng tâm kiến trúc an ninh do Mỹ dẫn dắt. "Đã có một số thông điệp gây hoang mang và cường điệu mà tôi thấy trên truyền thông toàn cầu. Đây là tâm lý hoang mang vô cớ", ông nói.
Nhưng Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho rằng quan hệ hai bờ Đại Tây Dương "đang chịu thử thách bởi những quyết định gần đây từ chính ông Trump". Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói an ninh kinh tế cũng là một phần cấu thành an ninh tổng thể NATO, do đó không thể né tránh thảo luận tại hội nghị.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã tìm cách xoa dịu tình hình, cho rằng Mỹ vẫn kiên định sát cánh với các thành viên NATO, nhưng cam kết đó đi kèm kỳ vọng các đồng minh châu Âu và Canada phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.
"Chúng tôi muốn tất cả thành viên cam kết hướng đến đầu tư 5% GDP cho ngân sách quốc phòng", ông Rubio nêu rõ mục tiêu mới cho các đồng minh, bổ sung rằng mục tiêu này cũng được áp dụng cho Mỹ vốn đang chi tiêu quốc phòng ở mức 3,5% GDP.
Rafael Loss, ủy viên Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho rằng những thông điệp mà Ngoại trưởng Rubio đưa ra tại hội nghị đã không thể trấn an được các đồng minh, giữa những thông điệp nhiễu loạn mà Tổng thống Trump đưa ra gần đây.
"Châu Âu chẳng thấy yên tâm chút nào, đặc biệt là sau khi đòn thuế đối ứng được công bố, khiến chúng tôi giờ đây đối mặt một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ", ông Loss nói.
Thanh Danh (Theo RBC, ABC, DW)