Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết, Chánh án TAND Tối cao đang yêu cầu các cơ quan chức năng rút toàn bộ hồ sơ vụ Lê Văn Mạnh để xem xét lại.
"Việc 8 năm chưa thi hành án với Lê Văn Mạnh không phải bất thường vì thi hành một bản án tử hình phải qua rất nhiều quy trình. Tuy nhiên, với vụ này thì quả thật là chậm", ông Sơn nói với VnExpress.
Với vụ án Lê Văn Mạnh, chia sẻ với VnExpress, luật sư Lê Thị Hoa, Trưởng Văn phòng luật sư Việt Hoa (Đoàn luật sư Thanh Hóa) cho hay dù chỉ theo vụ án chừng một năm ở giai đoạn phúc thẩm nhưng chị không thể quên các tình tiết đặc biệt của nó.
“Qua nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc nghi phạm và nghe thẩm vấn công khai tại tòa, bằng trực giác và kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi cho rằng vụ án Lê Văn Mạnh còn nhiều uẩn khúc, mâu thuẫn”, luật sư Hoa nói.
Nữ luật sư cho hay trong phiên xử mở tháng 7/2006, chị đã đề nghị HĐXX hủy án để điều tra lại do nhận thấy bằng chứng chính kết tội Mạnh là bức thư thú tội và chiếc quần soóc thu ở hiện trường đều “mơ hồ”, không thuyết phục.
“Mạnh khai bị nhiều phạm nhân cùng buồng giam đánh đập, ép viết thư. Hơn nữa theo tôi, tòa án dùng lời khai của phạm nhân để khép tội Mạnh là không phù hợp, không thể coi phạm nhân là nhân chứng vì họ không phải là người trực tiếp chứng kiến vụ việc”, luật sư Hoa nói.
“Đây là loại án truy xét không phải án bắt quả tang, vật chứng dùng để truy xét là chiếc quần đùi của nghi phạm. Nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ trên chiếc quần đó có dấu vết đặc biệt nào liên quan vụ án như vết máu, xác tinh trùng… hay không”, luật sư nêu quan điểm.
Theo luật sư, tại phiên tòa, Mạnh khai chiếc quần cơ quan điều tra thu tại hiện trường là do khi đi mò tìm xác nạn nhân bị ướt và rách. Ngại nhiều người chê bai, Mạnh xấu hổ vứt lại, mặc quần dài về nhà.
Sau phiên tòa hôm đó, luật sư Hoa bảo dù không tham gia vụ án nhưng chị bảo vẫn tận tình hướng dẫn cho gia đình làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm.
10 năm ròng rã kêu oan cho Mạnh, bà Lê Thị Việt (mẹ Mạnh) bảo đã sức cùng lực kiệt. "Tôi không thể nhớ đã bao lần ăn đường ngủ chợ, dù chỉ còn hy vọng cuối cùng tôi vẫn đi tìm sự thật", bà nói.
Bà Việt cho biết năm 2008, qua một thân nhân của một bạn tù, Mạnh gửi về gia đình chiếc áo phông màu trằng ghi kín những dòng chữ nhỏ bằng bút bi màu xanh, với nội dung kêu oan, kể bị đánh buộc nhận tội.
Trong "thư" đặc biệt này, Mạnh dặn mẹ ghi lại nội dung viết trên áo thành đơn gửi đến các cơ quan chức năng. Làm theo lời con, bà Việt đã cất giữ áo cẩn thận. Hiện sau gần 10 năm dòng chữ đã bị mờ nhưng vẫn nhìn rõ.
Các cơ quan tố tụng cáo buộc, khoảng 17h ngày 21/3/2005, trong lúc đi tìm trâu ở bờ sông Cầu Chày (xã Yên Thịnh), Mạnh thấy bé Linh đang đi vệ sinh bịt miệng khống chế rồi thực hiện hành vi hiếp dâm. Nạn nhân chống cự liền bị Mạnh hành hung.
Mạnh sau đó ôm xác nạn nhân lội qua sông Cầu Chày giấu vào bụi cây rậm ở bờ sông thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Sợ bị phát giác, Mạnh xé quần áo của nạn nhân làm dây quấn quanh cổ nhằm tạo hiện trường giả vụ thắt cổ tự vẫn.
Ngày 20/4/2005, Mạnh bị bắt theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Đồng Nai do hành vi cướp tài sản và bỏ trốn (vụ án khác). Ngày 23/4/2005, Mạnh từ trong trại tạm giam gửi cho bố với nội dung nhận là thủ phạm gây án với bé Linh với nội dung: "Con đã nhận hết tội, nhờ bố sang xin lỗi gia đình cháu và bồi thường thiệt hại...". Thư này bị nhà chức trách thu giữ, dùng làm căn cứ buộc tội.
Từ năm 2005 đến 2008, Mạnh đã 3 lần bị xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm. Trong tất cả phiên tòa, Mạnh đều phản cung, tố cáo bị đánh bắt nhận tội. Mạnh cho rằng thời điểm xảy ra án mạng, anh ta đang đi làm giúp em gái nên có bằng chứng ngoại phạm.
Theo Mạnh, HĐXX căn cứ chủ yếu vào bức thư để khép tội trong khi thư là do bị 2 phạm nhân cùng buồng ép viết.
Ngày 16/10, trước thông báo của TAND tỉnh Thanh Hóa về việc thi hành án tử hình, gia đình bị cáo Mạnh tiếp tục gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan.
* Tên nạn nhân đã thay đổi.
Lê Hoàng - Bảo Hà