Tôi có thể chạy tiện ích dồn đĩa Disk Defragmenter trong chế độ Safe Mode của Windows Vista không?
Hoàn toàn có thể, Disk Defragmenter vẫn làm việc tốt trong chế độ Safe Mode (bạn nhấn phải chuột lên biểu tượng phân vùng ổ đĩa, chọn Properties.Tools.Defragment Now). Tuy nhiên do hoạt động ở chế độ nền "ẩn" (hidden background) nên người dùng không thể nhận biết sự có mặt của tiện ích này, thậm chí khi kiểm tra bằng tiện ích Task Manager. Trong khi đó, nếu thực hiện dồn đĩa ở chế độ Normal Mode, bạn sẽ nhận được thông báo cũng như được cung cấp bảng theo dõi tiến trình và công cụ điều khiển.
Một trục trặc khác cũng liên quan đến tác vụ dồn đĩa trong Vista: bạn sẽ nhận được thông báo lỗi khi thực thi lệnh defrag x: (với x là tên của phân vùng đĩa cứng) từ cửa sổ dòng lệnh. Tuy nhiên, cũng với lệnh này, nhưng khi thực thi với tài khoản (hoặc quyền) quản trị (chọn Start.All Programs.Accessories, nhấn phải chuột lên biểu tượng Command Prompt, chọn Run as Administrator) thì mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ. Bạn cũng có thể phải trả lời hộp thoại UAC (User Account) trước khi cửa sổ dòng lệnh xuất hiện.
Làm thế nào để xác định máy tính có phải là zombie?
Như bạn đã biết, zombie là một dạng virus máy tính có khả năng biến máy tính bị lây nhiễm trở thành nguồn phát tán thư rác (spam) hay phát động các cuộc tấn công dạng DDos vào một website nào đó (tham khảo thêm thông tin trong bài viết "Máy tính bị oan?", ID: A06044_12). Zombie cũng có khả năng ghi lại các thao tác làm việc trên bàn phím của người dùng để lấy cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng hay số an sinh xã hội. Sau khi hoàn thành "nhiệm vụ”, máy tính vẫn hoạt động bình thường.
Thật không dễ để xác định một máy tính là zombie. Khi bị nhiễm các phần mềm nguy hại (malware), máy tính của bạn thường có vài biểu hiện lạ lùng và hoạt động ì ạch. Một cách dễ nhận biết hơn, đó là bạn nên kiểm tra các luồng dữ liệu ra vào máy tính nếu có sử dụng tính năng hay công cụ tường lửa (firewall). Bạn cũng nên kết hợp với nhiều công cụ quét virus trực tuyến (tham khảo chi tiết tại địa chỉ find.pcworld.com/57535). Ngoài ra, bạn hãy tải về tiện ích miễn phí Symantec Norton AntiBot Beta (find.pcworld.com/57759) để kiểm tra xem hệ thống của mình có bị nhiễm virus dạng bot hay không (bot là một đoạn mã nhằm điều khiển từ xa máy tính bị nhiễm). Dù vậy, đừng vội nghĩ rằng máy tính của bạn đã thực sự an toàn nếu các công cụ trên không phát hiện ra điều gì bất thường.
|
Vài loại zombie, bot được trang bị rootkit để có khả năng "tàng hình" trước các phần mềm phòng chống virus và malware (tham khảo thêm về rootkit trong bài viết "10 nguy cơ bảo mật nguy hiểm nhất", ID: A0608_100). Trong trường hợp này, bạn sẽ cần đến loại thuốc "đặc trị”, chẳng hạn như Sophos Anti-Rootkit (find.pcworld.com/57760) hoặc Sysinternals RootkitRevealer (find.pcworld.com/57761). Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) có thể xác định được máy tính nào bị nhiễm zombie và ngăn chặn sự tấn công/lây lan bằng các biện pháp kỹ thuật, tuy nhiên bạn cũng đừng hy vọng họ sẽ giải quyết tận gốc vấn đề này giúp bạn.
Nếu những email mà bạn đã gửi đi được gửi trả về với thông báo lỗi đại loại như "địa chỉ email này đã bị khóa" thì có thể địa chỉ email của bạn đã nằm trong danh sách đen các địa chỉ chuyên phát tán thư rác (spam blacklist), điều này thường xảy ra khi một máy tính trở thành zombie. Hiện có hơn 100 danh sách đen dạng này và nhiều ISP dựa vào đó để chặn các địa chỉ IP được xem là nguồn phát tán thư rác. Thậm chí khi email không bị trả về, bạn cũng nên kiểm tra xem địa chỉ IP của máy tính đang sử dụng có nằm trong những danh sách đen này không. Để biết được địa chỉ IP, bạn mở trình duyệt và nhập vào địa chỉ http://checkip.dyndns.org/, ghi lại hay chép tạm thời vào bộ nhớ địa chỉ IP hiển thị trên màn hình. Sau đó, bạn chọn một trong các danh sách đen để kiểm tra, chẳng hạn như Robtex (www.robtex.com). Nhập địa chỉ IP có được ở bước trên vào hộp thoại và chọn Go. Nếu kết quả trả về có màu đỏ, bạn đang gặp rắc rối. Trong trường hợp này, hãy sử dụng thông tin liên hệ trong danh sách để tìm ra nguyên do tại sao bạn (địa chỉ IP) có tên trong danh sách đen này và biện pháp để thoát khỏi danh sách đó.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn hãy luôn cập nhật bản sửa lỗi/nâng cấp mới cho Windows và các phần mềm phòng chống virus, công cụ tường lửa... Qua đó hệ thống của bạn sẽ an toàn hơn cũng như giảm bớt một số rủi ro "không mời mà đến".
TĂNG TUỔI THỌ LCD
Việc tắt mở nhiều lần màn hình LCD có làm hỏng nguồn sáng và giảm tuổi thọ màn hình hay không?
Chắc chắn là không. Các bóng đèn huỳnh quang được dùng để làm đèn nền trong màn hình LCD phải liên tục trải qua một chu kỳ giống như dạng mở - tắt trong khi màn hình đang hoạt động. Thời gian chúng trải qua chu kỳ mở - tắt này càng ngắn thì tuổi thọ càng dài.
Tuy nhiên, thiết lập chế độ hiển thị quá sáng trong một thời gian dài có thể để lại các điểm ố màu vàng trên bề mặt LCD. Để kéo dài tuổi thọ màn hình, bạn nên giữ độ sáng ở một mức tối vừa phải, miễn sao cho không gây cảm giác khó chịu cho mắt. Trong khi đó, với màn hình LCD trên các máy tính xách - thường đắt và hiếm có hàng thay thế, bạn nên giảm chỉnh độ để cải thiện thời gian dùng pin của máy.
Anh Thư - Xuân Cường
PC World Mỹ