5h sáng 15/11, Lê Thanh Sự, 31 tuổi, trú tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh khoác bộ vest cùng bố mẹ và đội thanh niên bê tráp lên hai ôtô đi đón dâu. Cách đó hơn 30 km, cô dâu Trần Mỹ Linh thấp thỏm đứng ngóng nhà trai khi con đường lớn từ quốc lộ vào nhà đã ngập sâu trong nước lũ.
Sau một tiếng rưỡi di chuyển, cách nhà gái chừng một km, đoàn đón dâu của Lê Thanh Sự buộc phải dừng lại. Ban đầu, anh Sự tính nếu ngập không quá sâu sẽ đi ôtô "vượt sông". Nhưng con đường phía trước đã bị nước bao phủ, không thể xác định được lối đi. Nhà trai đành ghé vào các hộ dân quanh đó mượn hai chiếc thuyền chèo vào nhà gái.
Đúng 9h30, cô dâu Mỹ Linh lên thuyền về nhà chồng. "Từ bé đến giờ tôi chưa từng thấy đám cưới nào ở đồng bằng mà phải đi thuyền để đón dâu", Lê Đấu, em trai chú rể, nói.
Dù thời tiết không ủng hộ nhưng Sự và Linh lại thấy vui vẻ, thích thú. "Đón dâu mùa lũ cực, nhưng không ảnh hưởng đến ngày vui khi tôi được đón vợ về nhà", chú rể nói.
Từ ngày 8/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, mưa lớn đã xảy ra ở nhiều tỉnh miền Trung. Trong hai ngày 14-15/11, lượng mưa ở nhiều địa phương của Bình Định lên tới 315-350 mm. Các sông ở Quảng Ngãi và Bình Định lũ lên báo động 2-3, trên báo động 3, nhiều vùng ngập lụt nặng. Dự báo, mưa lớn còn kéo dài đến hết ngày 18/11.
Gần 10 tiếng trước giờ đón dâu, con đê gần nhà chú rể Đinh Trung Nhật, 24 tuổi, ở huyện Phù Mỹ bị vỡ khiến nhiều hộ dân chìm trong nước lũ. Mưa lớn, gió thổi mạnh, nước ngập đến cửa nhà. Ngày cưới không thể hoãn, gia đình Nhật đành mượn hai chiếc thuyền thúng, chở người ra ôtô đi đón dâu. "Đoạn đường ngắn nhưng ngập ngang đùi, không đi thuyền thì ướt hết", chú rể kể.
30 phút sau, 12 người của gia đình Trung Nhật có mặt tại nhà gái, hoàn tất các thủ tục. Hơn 2h chiều, khi đoàn rước về tới đầu hẻm, cặp vợ chồng trẻ ngồi thuyền thúng được nối vào một chiếc thuyền có người chèo, để kéo về. Vừa che ô, chú rể chốc chốc nhắc vợ bám chặt tay để khỏi ngã.
"Sáng chỉ ngập ngang bắp chân nhưng mưa lớn kéo dài khiến tình hình ngập trở nên nghiêm trọng", anh Võ Thành Lượng, người chụp ảnh cho cặp đôi, kể.
Làm nghề dịch vụ, anh không lạ với các lễ cưới bằng ghe, thuyền thúng mỗi khi vào mùa lũ nhưng mỗi lần đi làm đều là kỷ niệm khó quên. Vừa chụp ảnh, vừa sắp xếp đội hình và chật vật để di chuyển trong nước khiến nam thợ ảnh gặp nhiều khó khăn. "Cực vô cùng nhưng tôi không ngại để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho dâu rể", anh nói.
Đinh Trung Nhật và Lê Thị Diễm My yêu nhau được chín năm. Đám cưới của họ dự định tổ chức hồi tháng 2 đã bị hoãn vì dịch. Ngay khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, hai giai đình chốt lễ ăn hỏi và cưới vào ngày 15/11.
Cả đêm 14, cô dâu, chú rể và gia đình hai bên không ai ngủ được. Một phần vì cảm xúc bồi hồi, phần còn lại lo mưa lớn, nước dâng cao không đón dâu được. "Dù gặp khó khăn nhưng may mắn mọi chuyện diễn ra suôn sẻ trong ngày vui của chúng tôi", Trung Nhật nói.
Về phần Diễm My, cô cho biết cưới trong ngày nước lũ dâng cao là kỷ niệm đặc biệt không bao giờ quên. Mọi thành viên trong gia đình đều vất vả nhưng ai cũng rất vui.
Sau khi đón dâu, nhà trai có làm 5 mâm cơm để mời người thân dùng bữa do các quy định hạn chế tập trung đông người. Phần sân làm cỗ, nước vẫn ngập ngang bắp chân.
Quỳnh Nguyễn