Theo tiến sĩ Lê Hữu Hải, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tiền Giang, kết quả nghiên cứu mới nhất của trường này cho thấy tình trạng bệnh đang gia tăng nhanh và có nguy cơ phải đốn cây nhiều hơn do mầm bệnh lây lan rất nhanh. Cứ 10 cây sầu riêng thì có 4-5 cây bị bệnh xì mủ.
Ông Nguyễn Văn Bảy (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) trồng 3,2ha sầu riêng với gần 100 cây nhưng đã “dính” bệnh xì mủ khoảng 50 cây. Mấy ngày qua ông đốn bỏ nhiều cây trồng gần chục năm đang cho trái nhưng bị bệnh không cứu được. Ông Bảy cho biết: “Cây sầu riêng bình thường có trên 60 trái, còn cây bị bệnh chỉ còn 20-30 trái. Các năm trước vườn sầu riêng của tôi cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, nhưng hiện chỉ còn 30 triệu đồng/năm do bệnh xì mủ hoành hành”.
Theo nhiều nông dân, đặc điểm của bệnh xì mủ trên cây sầu riêng là xuất hiện những chấm nâu đen, sau đó mủ từ trong thân cây chảy ra liên tục tại các chấm nâu đen đó. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, cây sẽ suy kiệt dần và chết hẳn. Dù bà con nông dân đã sử dụng khá nhiều loại thuốc khác nhau nhưng kết quả đạt được không đáng kể.
Theo tiến sĩ Lê Hữu Hải, hiện nay còn xuất hiện thêm tác nhân truyền bệnh là mọt đục cành. Con mọt mang mầm bệnh phát tán khắp nơi, đục chỗ nào thì chỗ đó có thể bị xì mủ nên nguy cơ phải đốn bỏ hàng loạt cây sầu riêng. Việc nông dân sử dụng thuốc hóa học xử lý cho sầu riêng ra trái nghịch vụ cũng làm cây suy kiệt nên khi dính bệnh xì mủ thì không trị được. Để hạn chế bệnh này, nông dân cần vệ sinh vườn thường xuyên, chịu khó thăm vườn mỗi ngày để phát hiện sớm bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hóa học để xử lý ra hoa mùa nghịch và cần có thời gian cho cây nghỉ ngơi lấy lại sức. Ông Hải cho biết các cơ quan chức năng đang nghiên cứu biện pháp trị mọt đục cành và bệnh xì mủ sao cho hiệu quả.
Theo Tuổi Trẻ