Kể từ khi chạm đỉnh hồi tháng 3, đôla Mỹ đã yếu đi gần 12% so với rổ tiền tệ lớn. Tuần trước, đồng tiền này còn xuống thấp nhất kể từ tháng 4/2018. Lần cuối cùng đồng bạc xanh rơi vào tình trạng này là năm 2017.
Theo các chiến lược gia, nhiều yếu tố có thể giải thích cho việc này. Đầu tiên là niềm tin vào đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Khi kinh tế Mỹ và thế giới mạnh lên, đồng đôla - với vai trò là tiền tệ trú ẩn - có xu hướng yếu đi. Hiện tại, dù Covid-19 vẫn lây lan mạnh tại nhiều nơi trên thế giới, nhà đầu tư lại đặt niềm tin vào các loại vaccine đang được phát triển. Họ dự báo hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ bùng nổ giữa năm sau.
Nguyên nhân thứ hai là chính sách của ngân hàng trung ương. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nói rõ rằng sẽ giữ lãi suất ở mức thấp và tiếp tục in tiền, miễn là điều đó cần thiết để kích thích kinh tế Mỹ. Việc này sẽ khiến nhà đầu tư tìm đến các công cụ khác có lợi nhuận tốt hơn, khiến nhu cầu đôla Mỹ càng thấp trong bối cảnh nguồn cung lớn.
Nhà Trắng sắp chuyển giao quyền lực cũng khiến đồng đôla kém hấp dẫn. Thuế nhập khẩu đã góp phần kéo đôla Mỹ lên cao trong vài năm gần đây, theo Mark Haefele - Giám đốc Đầu tư tại UBS Global Wealth Management. Đòn trừng phạt lên hàng xuất khẩu các nước, như Trung Quốc, đã làm tăng rủi ro địa chính trị, khiến nhà đầu tư tìm đến công cụ trú ẩn. Tuy nhiên, trong tranh chấp với các quốc gia như Trung Quốc, Tổng thống đắc cử Joe Biden được dự báo sẽ nghiêng về các công cụ khác. Đây là tin tích cực cho tăng trưởng toàn cầu, và tiêu cực cho đồng đôla.
Dù vậy, đồng đôla mất giá không hẳn là chuyện xấu. Trên thực tế, việc này có thể có lợi cho đà phục hồi, Ned Rumpeltin - chiến lược gia tiền tệ tại TD Securities cho biết. Khi đồng bạc xanh yếu, nhu cầu hàng Mỹ xuất khẩu sẽ lớn hơn. Sức ép tài chính cũng sẽ giảm bớt với các nước mới nổi vay nợ bằng đôla Mỹ. Nhu cầu hàng hóa, như dầu thô, cũng tăng do giá rẻ hơn với người mua nước ngoài.
Dù vậy, các loại tiền tệ như euro đang tăng giá nhanh, một phần do đôla Mỹ yếu đi. Đây là điều các ngân hàng trung ương cần theo dõi để tránh phát sinh bất ổn. Từ đầu tháng 4, euro đã tăng giá gần 10% so với USD. Ngày càng nhiều người đặt câu hỏi liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có can thiệp hay không. Deutsche Bank dự báo giá euro tăng từ 1,21 USD lên 1,3 USD một EUR cuối năm tới.
Dù vậy, George Saravelos - một nhà phân tích tại Deutsche Bank gần đây cho biết ECB cũng chẳng làm gì được nhiều. "Đồng đôla yếu đi với quy mô lớn là do hoạt động kích thích kinh tế trên toàn cầu", ông nói.
Hà Thu (theo CNN)