Hát để cùng thư giãn tại cơ sở Trọng Đức. Ảnh: Thanh Niên |
Ông Lê Thanh Tòng, Việt kiều Mỹ, người thường xuyên làm công tác xã hội, từ thiện, đã đến thăm Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức của gia đình anh Bùi Văn Thu, chị Trần Thị Tươi tại khu 11, Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để trao tặng 20 triệu đồng.
Tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt, nơi ăn chốn ở của gần 100 bệnh nhân tâm thần ngay trong ngôi nhà của đôi vợ chồng nghèo, ông Tòng xúc động: "Tôi cứ thao thức, bồn chồn và cố gắng sắp xếp về Việt Nam đến thăm mái ấm này. Tôi đã biết nhiều gia đình đông người vẫn không thể chăm sóc nổi một người điên. Thế mà ở đây, chỉ có vài người mà vẫn lặng lẽ đón nhận, chăm sóc, nuôi nấng, chữa trị cho cả trăm bệnh nhân tâm thần với biết bao khó khăn, phức tạp, chịu tốn kém lớn lao cả về tiền tài lẫn thời gian, sức lực... Tôi vô cùng kính trọng và nghiêng mình khâm phục anh chị Thu cùng những người thân đã có tấm lòng nhân ái vô bờ".Anh Thu cho biết, đã có thêm mấy chục bệnh nhân tâm thần từ Hà Nội, Cao Bằng, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Bạc Liêu... được người thân đưa tới đây. Gia đình anh không chút nề hà, đón nhận hết dù trong đó không ít gia đình vì quá khó khăn, không thể phụ nuôi bệnh nhân. Có bệnh nhân khi mới đến rất hung dữ, phải xích tay, xích chân, nhưng chỉ một thời gian ngắn họ trở nên hiền lành, sống hòa nhập với những người đồng cảnh ngộ, nhiều người học được cả nghề nề, tự tay lót gạch hoa cho phòng ăn, ở của mình.
Để dễ bề chăm sóc, gia đình anh Thu chia làm 2 trại, trại nam (51 người) tại nhà anh Thu, lập thêm trại nữ (41 người) tại khu nhà mới xây tạm (nguyên là vườn cà phê của gia đình) do chị Trần Thị Hằng và anh Trần Mạnh Hổ (chị và em vợ anh Thu) trực tiếp coi sóc. Vì số bệnh nhân ngày càng đông, gia đình anh Thu phải chạy vạy, thậm chí mua chịu vật liệu để làm thêm nhà vệ sinh, nhà ăn, lát lại nền nhà cho sạch sẽ. Khi biết ngoài những lúc tự đàn, ca hát cho nhau nghe, anh chị em chưa có gì để giải trí, ông Tòng đã tặng thêm 2 chiếc ti vi cho 2 trại và hứa sẽ về Mỹ, tiếp tục vận động để giúp đỡ cơ sở này.
Chị Trần Thị Hằng vui mừng cho biết: "Đã có 5 người khỏi bệnh được gia đình đón về, trong đó có 2 trường hợp người nhà nhận ra con cái, tìm đến sau hơn 10 năm lưu lạc. Sắp tới sẽ có thêm vài ba người nữa được về gia đình, đây là niềm vui lớn nhất của chúng tôi".
Những người nuôi, chữa trị cho các bệnh nhân ở đây vui vẻ kể về những tiến bộ của bệnh nhân, không hề nói gì về những gian lao khó nhọc, những hy sinh lớn lao mà mình đang gánh chịu. Nếu thử làm một phép tính: để nuôi gần 100 người điên, mỗi ngày cần 50 kg gạo, 100 gói mì tôm, chưa kể thức ăn, chất đốt và nhu yếu phẩm khác như thuốc men, áo quần..., mỗi tháng cơ sở Trọng Đức phải tiêu tốn không thể dưới 30 triệu đồng.
Tuy hằng tháng Trung tâm bệnh xã hội tỉnh cử bác sĩ đến khám bệnh phát thuốc cho bệnh nhân, một số đoàn thể địa phương, bà con quanh vùng, các nhà hảo tâm có sự quan tâm giúp đỡ, nhưng gánh nặng của những người phụ trách vẫn chưa hề vơi đi.
(Theo Thanh Niên)