Hơn ba tháng nay, vợ chồng ông Trần Kiếm và bà Loan (66 và 61 tuổi) lúc nào cũng nhớ cậu con trai nuôi là anh Bùi Minh (hiện 49 tuổi) đã về sống cùng gia đình sau hơn 24 năm đi lạc. Không được trực tiếp chăm sóc cho anh, vợ chồng ông cứ cảm thấy trống trải, chỉ biết canh thời gian gọi hỏi thăm, rồi mang những tấm hình của con ra ngồi ngắm và mong ở nơi mới, anh Minh sẽ vui. Hai ông bà cũng dự định sẽ sắp xếp công việc sớm đi thăm con trai.
Gia đình ông Kiếm có xưởng làm kẹo mè xửng có tiếng ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị, nhưng vào những năm 90, cuộc sống gia đình rất khó khăn, vì sản xuất chậm và nuôi 5 người con, hai trai, ba gái còn nhỏ. Để tiết kiệm, bà Loan phải nấu một nồi cơm to cho cả nhà ăn ba bữa trong ngày.
Ở cách đó hơn 300 km ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, bố mẹ anh Minh mất khi các con còn nhỏ. Cuộc sống của ba anh em phải nhờ những đồng tiền ít ỏi từ việc mò cua, bắt ốc của người anh cả - anh Nghiễm (hiện 55 tuổi). Anh Minh không được đi học. Ở tuổi 15, anh phải vào Nha Trang làm nghề đánh bắt cá thuê để trang trải cuộc sống.
Một lần, tiền chẳng có nhưng Minh vẫn bắt xe tuyến Bắc - Nam về thăm quê. Đến tỉnh Quảng Trị thì nhà xe phát hiện đã đuổi xuống. Không nhớ đường về, chẳng còn cách nào khác, Minh cứ đi lang thang khắp nơi xin ăn, rồi bị đánh đến mất trí nhớ, tinh thần hoảng loạn.
Giữa năm 1994, phát hiện nồi cơm nhà mình bị vơi đi bất thường, ông Kiếm ban đầu nghĩ, chắc do mèo lục ăn nên đậy cẩn thận hơn. Nào ngờ vẫn mất tiếp. Tìm mãi hóa ra thủ phạm chính là cậu con trai lớn, lúc đó mới hơn 6 tuổi. Nghe con thú nhận ngày nào đi học cũng thấy một anh đi xin ăn nên về nhà lén lấy cơm ra cho, ông kêu dẫn mình đi gặp.
Vừa nhìn thấy chàng trai người gầy rộc, mặt mũi lấm lem, quần áo rách tả tơi, thấy người lạ cứ ngẩng mặt lên cười rồi thu mình lại, tỏ vẻ sợ, ông Kiếm rất thương, đưa về nhà tắm rửa, hỏi thông tin về người thân. Anh Minh chẳng nhớ gì cả, chỉ nói được tên mình, tên ba mẹ. Anh cũng ngơ ngẩn nên ăn uống, tắm rửa cũng phải có người giúp đỡ.
Được vợ đồng ý, ông đi trình báo chính quyền địa phương để được nhận anh Minh là con nuôi. “Chính quyền họ không đồng ý, các bác sĩ nói nó bị tâm thần, nhưng tôi kệ. Tôi phải giúp nó thôi. Nếu không nó sẽ chết vì đói rét và bị người ta đánh”, ông Kiếm nói. Từ đó, dù lớn tuổi nhất, nhưng anh Minh được gọi là cậu út, vì cần được chở che, bao bọc.
Ở nhà mới, anh Minh thích ứng rất nhanh, nhưng lại thường xuyên ốm đau, chỉ ngồi một chỗ, ăn uống, tắm rửa phải có người giúp đỡ. Vợ chồng bà Loan, một mặt thay phiên nhau chăm sóc con, mặt khác lên kế hoạch đi tìm nguồn cội cho anh. “Chắc gia đình thằng bé cũng đang đi tìm nó, vì thế, chúng tôi không thể im lặng được”, bà Loan nói.
Nghe anh Minh nói quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, ông Kiếm bắt xe vào tìm. Đến nơi, nghe công an và chính quyền địa phương khẳng định không có ai hoàn cảnh như Minh, người cha ấy chỉ biết lủi thủi đi về, nghĩ anh nhớ nhầm.
Hơn 24 năm liền, vợ chồng ông đi khắp nơi, làm đủ cách, tìm cả đến thấy bói để mong một phép màu xảy ra, nhưng chẳng được. “Có lẽ, thằng bé có duyên với vợ chồng tôi”, ông Kiếm nói và quyết định dành trọn thời gian chăm sóc tốt cho anh Minh.
Ở quê, chờ mãi không thấy em trai về nhà, anh Nghiễm vô cùng lo lắng. Liên lạc với nơi anh Minh làm việc và một vài người quen chẳng được, anh cũng đi khắp nơi tìm. “Tôi cứ nghe tin ở đâu có người đi lạc là tìm đến, nhưng không phải em mình. Một lần đi xe từ Sài Gòn ra Bình Thuận, tôi thấy có một người giống thằng Minh lắm, vội vàng chạy đến xem mà chẳng phải”, anh Nghiễm nhớ lại.
Tháng 9/2016, anh Minh bị tai biến mạch máu não và chỉ có mong ước được gặp người thân một lần. Nhìn con trai nằm thoi thóp trên giường bệnh, vợ chồng bà Loan như đứt từng khúc ruột.
Gia đình họ chia nhau, vừa thay phiên túc trực trong bệnh viện chăm sóc Minh, vừa một lần nữa lên kế hoạch giúp cậu út được về nhà đẻ. Ông Kiếm có nhiệm vụ đi khắp nơi hỏi thông tin. Năm người con còn lại thì đăng thông tin lên trang cá nhân, nhờ cộng đồng mạng tìm giúp. Cùng lúc, nhà bên kia, anh Nghiễm và người thân cũng tìm em bằng mạng xã hội.
Hơn một năm điều trị, sức khỏe anh Minh cũng hồi phục và được xuất viện. Đúng lúc đó, anh Nghiễm nhìn thấy hình ảnh đứa em mất tích năm nào trên mạng đã hét lên vì hạnh phúc. “Mẹ mất khi nó chỉ mới hơn một tuổi nên thằng bé chịu thiệt từ nhỏ. Nếu không tìm được nó, tôi có lỗi với ba mẹ rất nhiều”, anh Nghiễm tâm sự.
Ngày 21/3, anh Nghiễm vượt đường xa đến cảm ơn ân nhân và đón Minh về nhà. “Mới nhìn thấy anh trai và em gái ngoài cổng, thằng bé vui lắm, chạy đến ôm liền”, ông Kiếm kể. Nhìn anh gặp lại người thân, bà Loan chỉ biết quay đi để giấu những giọt nước mắt hạnh phúc. “Những năm qua, chẳng lúc nào thằng bé không nhắc đến gia đình và khát khao được gặp. Nhưng mà nó chỉ nhớ tên mình, tên bố mẹ và nơi ở thôi. Gặp lại anh em thằng Nghiễm, vợ chồng tôi mới biết rõ hoàn cảnh của nó. Thật tội nghiệp”, bà Loan nói.
Ôm lấy em trai vào lòng, anh Nghiễm chỉ biết cảm ơn cặp vợ chồng đã cưu mang đứa em tội mấy chục năm trời. “Cô chú ấy thật tốt. Suốt quá trình tìm kiếm, đã có lúc tôi nghĩ, em mình không còn nữa, nhưng tôi đã sai”, anh Nghiễm nói.
Phan Thân