Ông Harvey và bà Irma, sống ở thành phố Spokane, phía đông bang Washington, Mỹ, có cuộc hôn nhân 75 năm hạnh phúc. Ông vừa tròn 104 tuổi còn bà sắp bước sang tuổi 93, New York Times đưa tin ngày 8/9.
Hai ông bà đã chứng kiến nhiều dấu mốc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Hai vợ chồng già nhớ rất rõ cuộc Đại Suy thoái năm 1930, sự kiện Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng, thậm chí nhớ cả thời tiết se lạnh và mây mù vào ngày Tổng thống John Kennedy bị ám sát. Nhưng họ chưa bao giờ thấy có hai siêu bão trùng tên của hai vợ chồng liên tiếp đổ bộ vào nước Mỹ.
"Tôi không biết tại sao lại như thế, làm sao họ lại đặt tên chúng là Harvey và Irma", ông Harvey Schluter bối rối nói.
Thực ra câu trả lời khá đơn giản. Kể từ năm 1979, Tổ chức Khí tượng Quốc tế đã dùng cả tên nam giới và nữ giới để đặt cho các cơn bão nhiệt đới sinh ra trên Đại Tây Dương.
Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ đã lập ra 6 danh sách tên bão bao gồm những cái tên bằng tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh. Danh sách này được mang ra sử dụng luân phiên. Ví dụ, danh sách tên năm 2017 sẽ được tái sử dụng vào năm 2023, cứ như vậy tuần tự cho đến hết 6 danh sách. Và chỉ những cái tên gắn liền với các cơn bão có sức tàn phá nặng nề thì sẽ không được sử dụng lại nữa.
Cái tên Harvey lần đầu tiên được dùng để đặt cho một cơn bão vào năm 1981. Cho đến nay đã có 6 cơn bão mang tên Harvey. Theo thông lệ, sau bão Harvey, sẽ là bão Irene. Nhưng sau khi cơn bão Irene càn quét vùng bờ đông nước Mỹ và tàn phá các quốc gia Caribe vào tháng 8/2011, cái tên Irene đã được thay thế bằng Irma.
Dựa trên mức độ của hai siêu bão Harvey và Irma, 2017 có lẽ là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cặp tên này được dùng để đặt cho bão.
Khi ông Harvey và bà Irma sinh ra vào đầu thế kỷ thứ 20, người ta mới phát minh ra đài radio. Ngày hôm nay, khi sau 75 năm chung sống, hai vợ chồng thấy tên mình tràn ngập trên đài báo đưa tin về số người chết, các thiệt hại do siêu bão.
"Thật sự tôi thấy buồn", bà Irma Schluter trả lời báo chí. Đó là cảm xúc chân thật của cặp vợ chồng tốt bụng đã dành cả đời mình để nuôi nấng và đỡ đầu 120 đứa trẻ cơ nhỡ hoặc tàn tật.
An Hồng