Đó là công việc của đội vá đường tình nguyện độ tuổi U60 của ông Tám Có (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Đội có khoảng 10 thành viên, trong đó có 5 người thường xuyên đi giặm vá, trám lỗ thủng khi phát hiện đường hư, cầu thủng.
Ngoài “đội trưởng” Tám Có (Nguyễn Hữu Rớt, 55 tuổi) “trẻ” nhất trong đội, còn có các ông Đặng Thanh Hiền (Hai Não), Nguyễn Văn Liễng (Ba Liễng), Lê Quang Rẫy, Lê Văn Sáu. Tất cả đã lục tuần, riêng ông Hai Não 72 tuổi, nhưng trông vẫn còn rất sung sức.
Làm đẹp đường làng
Tuổi cao, nhưng khi bàn đến chuyện đi làm đẹp đường phố là các thành viên trong đội đều rất hăm hở “như những thanh niên tình nguyện mùa hè xanh”. Đội trưởng Tám Có là thương binh, bị mất một chân trái. Tuy phải đi lại bằng tó nhưng khi hay trong ấp có đường hư là ông cảm thấy “ngứa ngáy tay chân” và huy động mấy thành viên trong đội đi trám lại.
Người dân địa phương quen gọi ông Tám Có bằng cái tên dí dỏm: “Tám cầu đường”. “Làm việc gì có ích cho xã hội, được nhiều người đồng thuận thì tụi tôi không ngại khó. Tôi còn một chân nhưng còn xài được lắm đấy”, ông Tám vui vẻ nói. Còn ông Ba Liễng (60 tuổi) bị liệt một tay từ nhỏ, là thành viên năng động nhất trong đội. “Công việc tuy không hợp với sức già nhưng đi làm từ thiện nên cũng thấy nhẹ nhàng như tập thể dục”, ông Ba Liễng cười khà khà nói.
Các thành viên trong đội vá đường của ông Tám Có lúc nào cũng hăm hở với việc làm đẹp đường làng. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Để có được nhựa vá đường, ông Tám Có đến chính quyền xã xin cấp giấy giới thiệu đi làm từ thiện rồi chủ động tìm đến các công ty cầu đường xin nhựa đường phế phẩm. Nhiều khi đội phải bỏ tiền ra mua với giá 30.000 đồng/xe ba gác. Có nhựa đường, đội liền đi vận động dân góp tiền mua dầu đỏ tưới nhựa đường.
Nhiều người dân ấp Thạnh Mỹ cho biết hễ khi nghe trong xóm hoặc trong ấp khác phản ảnh đường hư, cầu thủng thì không bao lâu đội vá đường liền đến trám lại. Người dùng xe đạp chở đá, nhựa phế phẩm, người mang bình xịt dầu, người mang đồ giặm vá, người mang theo chổi quét đường... hì hục như những người thợ chuyên nghiệp.
Làm đến khi “kiệt sức” mới ngưng
Ông Nguyễn Hoàng Điểm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, cho biết, toàn xã có khoảng 13 km đường nhựa. Nhiều đoạn sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, bong tróc, ảnh hưởng việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ và ban đêm. Từ thực tế đó, đội vá đường của ông Tám Có tự nguyện thành lập, được người dân hoan nghênh, hăng hái tham gia.
Ông Nguyễn Văn Ba, chủ tịch hội chữ thập đỏ xã, cho biết thêm 5 thành viên chính trong đội vá đường tự nguyện còn là thành viên tổ nhân đạo thuộc hội chữ thập đỏ xã. Họ thường xuyên đi vận động các nhà hảo tâm góp tiền giúp hộ nghèo, người khuyết tật, người nhiễm chất độc da cam, trẻ mồ côi, người già neo đơn. Đội còn vận động người dân hiến máu cứu người như một nghĩa cử cao đẹp.
Các thành viên của đội đều khẳng định chắc nịch sẽ làm công việc vá đường và từ thiện đến khi nào “kiệt sức” mới ngưng. Nhìn con đường trong ấp bằng phẳng, không còn lởm chởm ổ gà, ổ voi, ông Tám Có khoe: “Chúng tôi đã đăng ký thi con đường đẹp do tỉnh tổ chức rồi. Hy vọng sẽ đoạt giải đấy”.
(Theo Tuổi Trẻ)