![dam-cuoi-tap-the-1-jpg-1355290985_500x0.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2012/12/12/dam-cuoi-tap-the-1-jpg-1355290985.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Gzvb9RSuSoovRqhe53Akeg)
Đồng cảnh ngộ khuyết tật điếc câm, anh Nguyễn Cẩm Tú (32 tuổi) và chị Phạm Thị Quý (37 tuổi) đều không thể nghe và nói được. Tất cả những gì họ giao tiếp với nhau và với mọi người đều bằng tay.
"Chúng tôi chờ ngày này lâu lắm rồi. Cứ nghĩ mình sẽ được sánh duyên với nhau trong lễ cưới tập thể lớn nhất Việt Nam là chúng tôi hạnh phúc vừa hồi hộp đến ngộp thở", tân nương Quý cười tươi bộc bạch cảm xúc bằng tay và được một người phụ nữ đi bên cạnh phiên dịch lại.
Đôi uyên ương chia sẻ, hai người quen biết và yêu nhau qua những buổi làm việc chung giúp những anh chị em cùng cảnh ngộ trong Tổ chức cộng đồng Điếc Câm TP HCM. Chú rể Tú (32 tuổi) bảo qua người phiên dịch: "Quý hiền mà khéo léo, giỏi giang lại biết sống tiết kiệm lo cho anh chị em. Hai đứa hay nói chuyện chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống nên đồng cảm và yêu nhau lúc nào không biết". Mãi 2 năm sau anh mới đủ tự tin ngỏ lời yêu với người phụ nữ hơn mình đến 5 tuổi.
![dam-cuoi-tap-the-3-jpg-1355290986_500x0.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2012/12/12/dam-cuoi-tap-the-3-jpg-1355290986.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=89QfLTXvexr-imexYPtCxQ)
Trong buổi tổng dợt tham dự lễ cưới tập thể hôm 11/12, chị Quý tâm sự bị điếc bẩm sinh, và do không nghe, không hiểu người khác nói gì nên dần dần mất luôn khả năng nói. Còn anh Tú năm 12 tuổi mới bị bệnh rồi không thể nghe nói được. Thấy anh hiền lành tử tế, chí thú làm ăn lại hết lòng lo cho gia đình nên chị Quý đem lòng yêu thương.
Thời mới yêu nhau, chị Quý ở nhà làm công việc may vá, còn anh là công nhân cho tại một công ty giày da thuộc Khu công nghiệp Bến Lức (Long An). Sau đó để giúp người yêu có công việc ổn định và kiếm thêm thu nhập, Tú đã xin cho chị Quý vào làm chung công ty, nhờ đó cả hai có nhiều thời gian ở bên và chăm sóc nhau hơn.
Khác biệt nhau về tuổi tác, anh Tú bảo lúc nào anh cũng nghĩ chị Quý thân con gái chân yêu tay mềm nên luôn quan tâm giúp đỡ để người yêu không phải vất vả. Gia cảnh Tú còn nhiều khó khăn, hàng ngày anh đều dậy sớm phụ mẹ dọn hàng rồi lại chạy sang nhà đón Quý, rồi cả hai bắt xe bus xuống Long An làm việc. Buổi tối từ sở làm trở về, anh chị chỉ ăn uống qua loa rồi lại tất bật ghé qua cơ sở của Tổ chức cộng đồng Điếc Câm TP HCM ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) để làm thêm và dạy nghề cho các bạn đồng cảnh ngộ.
Tình yêu đến độ chín muồi, cả hai đã lớn tuổi nhưng vì sợ con cái phải khổ nên gia đình hai bên không đồng ý cho anh Tú và chị Quý lấy nhau. Thuyết phục gia đình không được, anh chị đành lén dắt nhau đi đăng ký kết hôn và tìm đến Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP HCM để được giúp đỡ.
![dam-cuoi-tap-the-4-jpg-1355290986_500x0.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2012/12/13/dam-cuoi-tap-the-4-jpg-1355290986-500x0-1355368543-1355368560.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iPBkd8zk9ZZMdyra1VuFDg)
Là một trong 120 cặp uyên ương may mắn được dự lễ cưới tập thể vào ngày đẹp nhất trong năm 12/12 hôm nay, chị Quý bảo sau gần 5 năm trời yêu nhau, điều mong ước lớn nhất của anh chị là được về sống chung dưới mái nhà đến nay đã thành hiện thực.
Diện bộ váy cưới trắng tinh, cô dâu Phạm Thị Quý nhoẻn miệng cười mãn nguyện: "Vậy là chúng tôi trở thành vợ chồng rồi. Tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ mình mặc áo đầm đẹp như thế này. Tôi cám ơn các anh chị ban tổ chức đã yêu thương giúp đỡ chúng tôi".
Ra đời từ năm 2008, đến nay chương trình lễ cưới tập thể đã se duyên cho 222 cặp đôi thanh niên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Đại điện đơn vị tổ chức, ông Huỳnh Ngô Tịnh, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP HCM (trực thuộc Thành đoàn TP HCM) cho biết: "Mục đích của chương trình nhằm giữ gìn và tôn vinh những nét đẹp của lễ cưới truyền thống Việt Nam, loại bỏ những nghi lễ hủ tục phong kiến nặng nề, lạc hậu và đề cao lối sống tiết kiệm, văn minh trong giới trẻ. Qua đó chúng tôi hy vọng mang lại niềm tin vào cuộc sống, đồng hành và chia sẻ khó khăn với các bạn thanh niên công nhân".
Thi Trân